được chấp nhận là chính Trung Quốc, chứ không phải là một thành viên
danh dự của phương Tây”.
Điểm lại tất cả các lựa chọn chiến lược - Thậm chí cả những lựa chọn
xấu nhất
Một “chiến lược” (trong trường hợp này là “cam kết nhưng phòng bị”) chỉ
có thể tồn tại qua ba đời chính quyền, Dân chủ cũng như Cộng hòa, trong
trường hợp nó có gốc rễ từ bên trong cả nền chính trị lẫn bộ máy quan liêu.
Không ai có thể nghi ngờ rằng cam kết với Trung Quốc giúp tạo ra lợi ích
rất lớn cho các tập đoàn của Mỹ vốn đang sử dụng lao động chi phí thấp ở
Trung Quốc để sản xuất hàng hóa và cho những người tiêu dùng Mỹ mua
những hàng hóa đó. Trong khi đó, phòng bị chống lại một quốc gia lớn như
vậy đã cho phép Lầu Năm Góc có thể biện luận cho số tiền ngân sách 600 tỷ
đô la hằng năm, cũng như các hệ thống vũ khí chủ chốt mà các quân binh
chủng trong quân đội đang vận hành.
Câu hỏi ở đây là liệu có bất cứ một chiến lược thay thế nào khác, khả thi
và tốt hơn chiến lược hiện tại hay không. Với hy vọng kích thích trí tưởng
tượng của độc giả, các quan chức an ninh quốc gia và những người khác
trong cộng đồng chiến lược vốn đang chịu trách nhiệm xây dựng chính sách
của Mỹ đối với Trung Quốc, chương này sẽ kết luận bằng những phác thảo
ngắn gọn về bốn lựa chọn chiến lược tiềm năng. Những lựa chọn này trải dài
từ thích ứng (về căn bản là rút ra những bài học từ chính sách của Anh đối
với Mỹ trong suốt thế kỷ XX) cho tới thay đổi chế độ, hay thậm chí khiến
cho đất nước đó tan rã (giống như những gì mà Anh có thể đã làm khi ứng
phó với Mỹ nếu London hỗ trợ phe Liên minh Miền Nam trong Nội chiến
và, như một số người khẳng định, giống như những gì mà Mỹ đang làm để
khuyến khích Ukraine ngả vào vòng tay của phương Tây). Hầu hết các lựa
chọn chiến lược này có thể là thô lỗ hoặc không khôn ngoan, thậm chí là
thất sách. Khi đứng cùng nhau, tất cả tạo thành một dải cơ hội rộng hơn cho
nước Mỹ trong quá trình ứng phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Thích ứng