khác nhau. Việc lựa chọn chiến lược được thực hiện dựa trên cái tôi của
công ty.
Khi một công ty phát triển sản phẩm nội bộ, họ thường đặt tên doanh
nghiệp mình cho sản phẩm. Ví dụ như máy tính General Electric.
Còn nếu phát triển một sản phẩm thông qua sáp nhập với công ty bên
ngoài, họ thường giữ nguyên tên sản phẩm đã có. Ví dụ như, RCA giữ lại
tên của Hertz. ITT giữ tên của Avis.
Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy.
Khi Sperry-Rand tự phát triển một dòng máy tính mới, họ lại đặt tên cho
nó là Univac. Còn khi Xerox bước vào ngành máy tính bằng cách sáp nhập,
họ đổi tên Hệ thống Dữ liệu Khoa học thành Hệ thống Dữ liệu Xerox.
Nếu gạt đi yếu tố cái tôi thì khi nào một công ty nên chọn tên mình hay
lấy tên mới? (Đừng xem nhẹ cái tôi của doanh nghiệp. Bạn cứ thử thuyết
phục General Electric đừng đặt tên GE lên sản phẩm mới mà xem, bạn sẽ
thấy vấn đề cái tôi này ở các công ty nghiêm trọng đến chừng nào.)
Một trong những lý do khiến các nguyên tắc chọn tên vẫn còn khó nắm
bắt là do hội chứng “người đầu tiên”.
Nếu bạn lọt vào được tâm trí khách hàng trước tiên thì tên gọi nào cũng
hiệu quả.
Nhưng nếu bạn không phải là người đến đó đầu tiên thì việc chọn sai tên
có thể mang lại thảm họa cho bạn đấy.
International Business Machine là cái tên dở tệ dành cho máy tính, bởi vì
IBM đã chiếm vị trí máy đánh chữ trong tâm trí khách hàng.
Nhưng điều đó cũng không vấn đề gì cả. IBM là hãng có được vị trí đầu
tiên trong lĩnh vực máy tính, nên họ vẫn kiếm được hàng triệu đô-la. (Hàng
triệu triệu đô-la.)
General Electric cũng là tên không hợp với dòng máy tính. Hơn nữa, họ
lại không xuất hiện đầu tiên trong tâm trí khách hàng. Vậy là họ đã lỗ hàng
triệu đô-la.