Thậm chí ngay cả cơ thể người cũng đã biến thành tấm áp phích biết đi
cho các thương hiệu Adidas, Gucci, Benetton và Gloria Vanderbilt.
Lại lấy ví dụ về quảng cáo. Ngay sau Thế chiến II, mức tiêu thụ quảng
cáo theo đầu người ở Mỹ là 25 đô-la một năm. Hiện nay, con số này đã tăng
gấp tám lần. (Lạm phát cũng góp phần làm con số này tăng lên, nhưng khối
lượng quảng cáo thực cũng tăng đáng kể.)
Nhưng kiến thức của bạn về những sản phẩm bạn vẫn mua có tăng gấp
tám lần không? Có thể bạn phải tiếp nhận nhiều quảng cáo hơn, nhưng đầu
óc bạn không thể hấp thụ nhiều hơn trước. Những gì bạn có thể hấp thụ
được chỉ có giới hạn thôi, và khối lượng quảng cáo - dẫu chỉ ở mức 25 đô-
la mỗi năm - đã vượt quá cái giới hạn đó rồi. Bộ não của bạn chỉ có thể
chứa ngần ấy thôi.
Ở mức 200 đô-la/người, một người tiêu dùng Mỹ trung bình đã tiếp xúc
với khối lượng quảng cáo nhiều gấp đôi người Canada, gấp bốn lần người
Anh và gấp năm lần người Pháp.
Không ai nghi ngờ chuyện các nhà quảng cáo có đủ khả năng tài chính
để phát đi hết từng ấy khối lượng truyền thông, nhưng người ta băn khoăn
liệu người tiêu dùng có đủ năng lực trí óc để mà tiếp nhận hết tất cả không.
Mỗi ngày, hàng ngàn thông điệp quảng cáo lại “đấu đá” nhau để giành
lấy một chỗ trong tâm trí khách hàng tiềm năng. Hiển nhiên, tâm trí con
người giờ chẳng khác gì bãi chiến trường. Trên khoảng chất xám rộng
15cm ấy, trận chiến quảng cáo đang nổ ra khốc liệt. Mà trận chiến này lại
chẳng hề có luật lệ hay nguyên tắc nào, và cũng không có chỗ cho lòng
khoan dung.
Quảng cáo là một lĩnh vực tàn nhẫn, nơi sai lầm có thể sẽ phải trả giá rất
đắt. Nhưng chính từ những trận chiến quảng cáo đó, các nguyên tắc đã
được xây dựng nên nhằm giúp bạn đương đầu với xã hội quá tải truyền
thông của chúng ta.
Bùng nổ sản phẩm