Trong khi đó, ở khu vực tư nhân, thị trường sẽ chỉ cho chúng ta nơi nên
đầu tư các nguồn lực. Cách đây không lâu khi ngồi trên khán đài sân vận
động trung tâm xem một trận đấu của Chicago White Sox, tôi phát hiện ra
một người bán dạo đi bộ khắp các khán đài quảng cáo cho một sản phẩm
gọi là Margarita Space Pak. Công nghệ này cho phép người bán dạo làm ra
những viên trân châu đông lạnh ngay tại chỗ: Không hiểu bằng cách nào
đó, anh ta trộn lẫn những loại đồ uống trong một thiết bị được đeo sau như
chiếc ba lô, rồi đổ chúng vào chiếc cốc nhựa đang chờ sẵn. Lợi ích xã hội
dễ thấy của công nghệ mang tính đột phá này là những người hâm mộ bóng
rổ có thể thưởng thức trân châu, chứ không phải bia, ngay tại chỗ. Tôi cho
là một vài kỹ sư hàng đầu của đất nước chúng ta - một nguồn lực khan
hiếm - đã dành rất nhiều thời gian và công sức để tạo ra Margarita Space
Pak. Điều đó đồng nghĩa với việc họ đã không dành thời gian của mình để
tìm kiếm một nguồn năng lượng sạch hơn, rẻ hơn hoặc tìm giải pháp tốt
hơn để cung cấp chất dinh dưỡng cho những trẻ em suy dinh dưỡng ở châu
Phi. Thế giới này có thật sự cần Margarita Space Pak không? Không.
Người ta có thể sử dụng những kỹ sư tạo ra nó vào mục đích nào đó có ích
hơn cho xã hội không? Có. Nhưng, đây mới là điểm quan trọng: Đó chỉ là ý
kiến của riêng tôi và tôi không điều hành thế giới này.
Khi chính phủ kiểm soát bộ phận nào đó của nền kinh tế, thì quyền phân
bổ những nguồn lực khan hiếm sẽ nằm trong tay những người chuyên
quyền, các quan chức quan liêu hay các chính trị gia, chứ không phải thị
trường. Ở Liên Xô cũ, các nhà máy thép khổng lồ sản xuất ra hàng triệu tấn
thép trong khi đó những người dân thường lại không thể mua nổi thứ xà
phòng hay thuốc lá tử tế. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi Liên
bang Xô-viết trở thành nước đầu tiền phóng tên lửa vào quỹ đạo. Chính phủ
Liên Xô có thể dễ dàng chỉ đạo các nguồn lực được dùng trong chương
trình chế tạo tàu vũ trụ, trong khi người dân chỉ muốn có rau tươi hay
những chiếc tất dày hơn, tốt hơn.