nghìn người dân Delhi đã xuống đường phản đối mạnh mẽ. Tờ New York
Times đưa tin: “Dân chúng đốt xe buýt, ném đá và chặn các con đường
chính.” Nhưng sẽ là không đúng sự thật khi nhận định: Những người chống
đối đang ủng hộ những kẻ gây ô nhiễm. Toà án Tối cao đã đẩy thành phố
New Delhi đến tình trạng khủng hoảng khi đóng cửa 90 ngàn nhà máy nhỏ
gây ô nhiễm trong khu vực và khiến khoảng 1 triệu công nhân làm việc
trong các nhà máy đó bị mất việc làm. Tiêu đề dưới đây của một bài báo đã
tóm lược rất chính xác sự đánh đổi đó: A Cruel Choice in New Delhi: Jobs
vs. a Safer Environment (Lựa chọn tàn nhẫn ở New Delhi: Công việc hay
môi trường an toàn hơn?).
Vậy, DDT, một trong những loại hóa chất đã gây ra hậu quả nặng nề hơn,
thì sao? DDT là một chất hữu cơ gây ô nhiễm dai dẳng. Nó xâm nhập qua
chuỗi thức ăn và gây ô nhiễm ở từng mắt xích, do đó gây nguy hiểm trong
toàn bộ chuỗi. Chính phủ có nên cấm loại chất độc hại này không? The
Economist đã đưa ra một lập luận đầy thuyết phục. Sốt rét đã tàn phá sức
khỏe của người dân ở nhiều nước đang phát triển. Hàng năm có khoảng
300 triệu người mắc căn bệnh này và số người thiệt mạng lên đến hơn một
triệu người. (Tất nhiên, sốt rét phải là một căn bệnh hiếm ở các nước phát
triển vì nó đã bị diệt trừ ở Bắc Mỹ và Châu Âu cách đây 50 năm.) Jeffrey
Sachs, nhà kinh tế học của trường Đại học Harvard, ước tính lẽ ra, ở vùng
Tiểu sa mạc Sahara châu Phi ngày nay đã có 1/3 người giàu lên nếu bệnh
sốt rét được diệt trừ tận gốc vào năm 1965. Vì lý do đó, DDT - phương
pháp kiểm soát các loài muỗi truyền bệnh hiệu quả nhất và có chi phí thấp
nhất - đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía. Phương pháp thay thế tốt nhất
không chỉ ít hiệu quả hơn mà còn có chi phí cao hơn gấp bốn lần. Những
lợi ích sức khỏe mà DDT mang lại có bù đắp được chi phí môi trường mà
nó gây ra không? Có thể. Hay ít nhất, chúng ta cũng nên loại bỏ lập luận
đơn giản quá mức rằng nên cấm bất kỳ loại hóa chất nào gây hại cho môi
trường.