ăn giỏi thì không. Nguyên nhân chính xác nhất dẫn đến tình trạng đói
nghèo dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới là tình trạng thiếu vốn con người. Ở
Mỹ, có một bộ phận người dân nghèo là bởi vì họ không thể tìm được việc
làm. Nhưng đây là một triệu chứng, chứ không phải là một căn bệnh. Vấn
đề cơ bản là do họ thiếu các kỹ năng (hay, vốn con người). Tỉ lệ nghèo ở
những học sinh bỏ học ngay từ cấp phổ thông ở đất nước chúng ta cao gấp
12 lần tỉ lệ nghèo ở những sinh viên tốt nghiệp đại học. Tại sao Ấn Độ lại
là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới? Lý do chủ yếu là bởi vì
35% dân số nước này mù chữ (đã giảm so với mức gần 50% cách đây một
thập kỷ) hoặc phải sống trong những điều kiện khiến họ không phát huy
được vốn con người.
Một nền kinh tế mạnh cũng có vai trò hết sức quan trọng. Tìm được một
công việc vào năm 2001 dễ hơn vào năm 1975 hay 1932. Nước lên sẽ kéo
thuyền lên. Tăng trưởng kinh tế là điều tuyệt vời đối với tất cả những người
nghèo. Ngược lại, một nền kinh tế yếu kém sẽ là nỗi kinh hoàng đối với họ.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực tế: Ngay cả khi nước lên,
những lao động có tay nghề thấp cũng chỉ có thể bám lấy những khúc củi
trôi giạt, trong khi những người cùng độ tuổi có tay nghề hơn lại ngồi thư
thái uống cocktail trên thuyền. Một nền kinh tế tăng trưởng nhanh không
biến những người trông xe thành những vị giáo sư đại học. Nhưng đầu tư
vào vốn con người có thể làm được điều đó. Các nhân tố vĩ mô kiểm soát
những đợt thuỷ triều nhưng vốn con người mới quyết định chất lượng của
con thuyền.