Năng suất lao động tăng sẽ khiến chúng ta trở nên giàu có hơn. Để hiểu
tại sao, hãy quay trở lại nền kinh tế nông nghiệp đơn giản trong ví dụ trước.
Nếu sản lượng ngô và số lợn xuất chuồng của một người nông dân tăng 2%
mỗi năm và người hàng xóm của anh ta sản xuất được thêm 4%, thì họ sẽ
có nhiều thực phẩm để ăn hơn mỗi năm (hoặc bán đi nhiều hơn). Nếu sự
khác biệt này tiếp tục diễn ra trong một thời gian dài, một trong hai người
sẽ giàu hơn rất nhiều so với người kia và đây có thể là khởi nguồn cho sự
ghen ghét hoặc xích mích giữa hai bên nhưng rõ ràng, cuộc sống của cả hai
đang dần trở nên sung túc hơn. Điểm quan trọng là giống như các yếu tố
khác trong kinh tế học, năng suất lao động không phải là một trò chơi có
tổng bằng không.
Nước Mỹ sẽ như thế nào nếu 500 triệu người Ấn Độ làm việc hiệu quả
hơn và từng bước chuyển từ tầng lớp nghèo sang tầng lớp trung lưu? Chúng
ta cũng sẽ giàu có hơn. Những người dân Ấn Độ nghèo khổ hiện phải xoay
xở với mức sống 1 đô-la/ngày không thể mua phần mềm, xe ô tô, đĩa nhạc,
sách và các nông sản xuất khẩu của chúng ta. Nhưng nếu họ giàu có hơn,
họ hoàn toàn có khả năng mua những món hàng này. Và ngược lại, những
người tài trong 500 triệu người mà khả năng tiềm tàng của họ hiện đang bị
lãng phí vì thiếu học sẽ sản xuất ra những hàng hóa và dịch vụ tốt hơn, giúp
chúng ta có một cuộc sống tiện nghi hơn. Họ rất có thể là người phát hiện
ra vắc xin phòng chống AIDS hay tìm ra giải pháp cho hiện tượng trái đất
ấm lên, v.v...
Năng suất lao động tăng phụ thuộc vào việc đầu tư cho vốn vật chất, vốn
con người, cho nghiên cứu, phát triển và thậm chí cho cả những yếu tố thúc
đẩy các tổ chức chính phủ hoạt động hiệu quả hơn. Những khoản đầu tư
này đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ tiêu dùng hiện tại để có thể tiêu dùng nhiều
hơn trong tương lai. Nếu bạn không mua một chiếc BMW mà đầu tư học
đại học, thì thu nhập trong tương lai của bạn sẽ cao hơn. Tương tự, một
công ty phần mềm có thể bỏ việc thanh toán cổ tức cho các cổ đông và tái