ảo tưởng NASDAQ. Các nhà kinh tế học hành vi tin tưởng, nếu dự đoán
chính xác những quyết định không hoàn hảo của các nhà đầu tư, chúng ta
có thể thống lĩnh thị trường. Richard Thaler, nhà kinh tế học của Đại học
Chicago, thậm chí sẵn sàng đánh cược toàn bộ gia tài vào lý thuyết của
mình. Ông cùng một số cộng sự sáng lập một quỹ đầu tư tận dụng sự không
hoàn hảo trong suy nghĩ của con người: quỹ tăng trưởng hành vi. Sau khi
phỏng vấn ngài Thaler cho chương trình của đài phát thanh công cộng
Chicago, tôi cũng quyết định gạt niềm tin mạnh mẽ vào lý thuyết thị trường
hiệu quả của mình sang một bên và đầu tư một khoản tiền nhỏ vào quỹ của
ông. Và tôi đã được gì? Lần cuối cùng tôi kiểm tra, quỹ tăng trưởng hành vi
đã giảm 40% giá trị trong một năm, so với tỷ lệ giảm 15% của các công ty
S&P 500 trong cùng thời kỳ. Vậy là quá đủ với món ăn kiêng bằng bưởi và
kem!
Lý thuyết thị trường hiệu quả không phải là một tín điều, mặc dù những
người chỉ trích lý thuyết này thừa nhận, việc lập bảng liên hệ chỉ số là một
chiến lược tốt cho các nhà đầu tư nhỏ. Andrew Lo của Đại học MIT và A.
Craig MacKinlay của Đại học Wharton là đồng tác giả của cuốn sách mang
tên A Non-random Walk down Wall Street, trong đó họ khẳng định, các
chuyên gia tài chính với những nguồn lực phi thường, như những chiếc siêu
máy tính, có thể đánh bại thị trường bằng cách tìm kiếm và khai thác thông
tin biến động giá cả. Trong một bài phê bình cuốn sách trên tạp chí
Business Week có đoạn viết: “Thật ngạc nhiên, có lẽ Lo và MacKinlay thật
sự đồng ý với lời khuyên của Malkiel dành cho một nhà đầu tư bình
thường. Nếu bạn không được một chuyên gia giỏi cố vấn, hay có đủ thời
gian và tiền bạc để tìm kiếm sự giúp đỡ từ họ, hãy chú ý đến các quỹ chỉ
số.” Đây cũng là những người không công nhận giả thuyết về thị trường
hiệu quả. Đầu tư vào quỹ chỉ số là đầu tư vào những bài tập thể dục thường
xuyên và một chế độ ăn kiêng ít béo để giảm cân. Gánh nặng chứng minh
sẽ rơi vào bất cứ ai cho rằng mình có phương pháp tốt hơn.