lớn có thể dẫn đến tình trạng “đổ xô” đầu tư riêng bằng việc tăng tỷ lệ lãi
suất thực tế. Khi tình trạng thâm hụt ngân sách lớn xảy ra ở Mỹ bắt đầu
biến mất trong suốt thập niên 1990, một hiệu ứng cực kỳ có lợi chính là tỷ
lệ lãi suất giảm trong dài hạn, khiến tất cả chúng ta có thể vay tiền với lãi
suất rẻ hơn.
Thặng dư/thâm hụt tài khoản hiện thời. Thâm hụt tài khoản hiện thời của
Mỹ vào khoảng 100 tỷ đô-la. Đã đến lúc phải đổ xô đến siêu thị để tích trữ
những hàng hóa đóng hộp và nước đóng chai hay chưa? Có lẽ là chưa. Cân
đối tài khoản hiện thời, có thể thặng dư hay thâm hụt, phản ánh chênh lệch
giữa thu nhập mà chúng ta kiếm được từ phần còn lại của thế giới so với
thu nhập mà họ kiếm được từ chúng ta. Phần lớn khoản thu nhập đó phát
sinh từ thương mại hàng hóa và dịch vụ. Vì vậy, cân đối tài khoản của
chúng ta, dù là thặng dư hay thâm hụt, là bộ phận lớn nhất trong tài khoản
hiện thời. Nếu chúng ta đang chịu thâm hụt thương mại với phần còn lại
của thế giới, thì chúng ta hầu như cũng luôn duy trì một mức thâm hụt tài
khoản hiện thời (Đối với những người theo chủ nghĩa thuần túy, tài khoản
hiện thời của Mỹ bao gồm cổ tức trả cho những nhà đầu tư vào các cổ
phiếu nước ngoài, số tiền được những người Mỹ làm việc ở nước ngoài gửi
về hay bất kỳ nguồn thu nhập nào khác kiếm được ở nước ngoài.)
Tài khoản hiện tại bị thâm hụt thường là do đất nước xuất khẩu không đủ
để “trả” cho tất cả những hàng hóa nhập khẩu. Nói cách khác, nếu chúng ta
xuất khẩu 50 tỷ đô-la hàng hóa và nhập khẩu 100 tỷ đô-la, thì các đối tác
thương mại của chúng ta hẳn sẽ muốn đổi lấy thứ gì cho 50 tỷ giá trị hàng
hóa còn lại. Chúng ta có thể trả cho họ bằng tiền tiết kiệm của chúng ta,
chúng ta có thể vay tiền họ để lấp đầy khoản chênh lệch hay chúng ta có
thể bán cho họ một số tài sản khác của mình như cổ phiếu và trái phiếu. Là
một quốc gia, chúng ta đang tiêu thụ nhiều hơn so với sản xuất và chúng ta
nhất thiết phải trả cho lượng chênh lệch đó bằng một cách nào đó.