CHƯƠNG 10. CỤC DỰ TRỮ LIÊN
BANG
Tại sao đồng đô-la trong túi bạn không giống một tờ giấy thông
thường?
Đôi khi những lời tuyên bố giản dị lại có tiếng vang rất lớn. Ngày 11
tháng 9 năm 2001, vài giờ sau cuộc tấn công khủng bố, Cục Dự trữ Liên
bang đã đưa ra lời tuyên bố: “Cục Dự trữ Liên bang sẽ vẫn mở cửa và hoạt
động. Cánh cửa phòng cho vay có chiết khấu luôn sẵn sàng đáp ứng mọi
nhu cầu thanh khoản của người dân.”
Hai câu nói ngắn gọn và súc tích này ngay lập tức đã xoa dịu các thị
trường trên toàn cầu. Ngày thứ hai của tuần tiếp theo, khi các thị trường Mỹ
mở cửa để tiến hành những phiên giao dịch đầu tiên sau cuộc tấn công, Cục
Dự trữ Liên bang đã quyết định giảm 0,5% tỷ lệ lãi suất - đây được coi là
một bước đi khác để xoa dịu những tác động tài chính và kinh tế mà cuộc
tấn công gây ra.
Tại sao một lời tuyên bố chỉ với vỏn vẹn hai câu không chau chuốt lại có
ảnh hưởng sâu sắc tới một nền kinh tế 10 nghìn tỷ đô-la và trên thực tế là
tới nền kinh tế toàn cầu? Nhờ đâu, Cục Dự trữ Liên bang - một thể chế
không trực tiếp được dân bầu - lại có sức mạnh to lớn nhường vậy? Và tại
sao sức mạnh đó lại ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân
Mỹ? Tất cả các câu trả lời đều quy về một điểm: Cục Dự trữ Liên bang
quản lý cung tiền, do đó, nắm quyền kiểm soát “chiếc vòi” tín dụng của cả
nền kinh tế. Khi chiếc vòi đó được nới lỏng, tỷ lệ lãi suất giảm và chúng ta
có thể chi tiêu thoải mái hơn cho tất cả những khoản từ xe hơi đến những