khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng bất ổn. Ông nhận định: “Nếu
cuối những năm 1920, giá vàng được đẩy lên hoặc các ngân hàng trung
ương thực hiện chính sách bình ổn giá cả thay vì trung thành với hệ thống
bản vị vàng, thì cuộc Đại Suy thoái, sự phát triển của chủ nghĩa Phát xít và
cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã không nổ ra.”
Nếu Cục Dự trữ Liên bang có thể khiến nền kinh tế tăng trưởng nhanh
hơn khi cắt giảm tỷ lệ lãi suất, thì tỷ lệ lãi suất thấp hơn có thể mang lại kết
quả tốt hơn không? Tại sao nên đặt ra giới hạn cho tỷ lệ tăng trưởng của
nền kinh tế? Nếu chúng ta bắt đầu chi tiêu thoải mái hơn khi lãi suất giảm
từ 7% xuống 5%, tại sao chúng ta lại chỉ dừng lại ở ngưỡng đó? Vẫn còn
những người không có việc làm và những người không thể mua xe hơi mới,
vậy chúng ta hãy giảm lãi suất xuống 3%, hay thậm chí là 1%. Khi đó, tất
cả mọi người sẽ đều có tiền! Nhưng đáng buồn thay, luôn có những giới
hạn cho tốc độ tăng trưởng cho phép của nền kinh tế. Nếu tỷ lệ lãi suất
thấp, người tiêu dùng có thể tiêu tiền thoải mái hơn và nhu cầu mua xe PT
Cruiser tăng thêm 5% so với năm trước đó, thì Chrysler sẽ phải mở rộng
quy mô sản xuất thêm 5%. Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải thuê thêm
công nhân, mua thêm thép, thủy tinh, các thiết bị điện, v.v... Xét trên khía
cạnh nào đó, Chrysler sẽ gặp nhiều khó khăn hơn bởi vì công ty có thể
không tìm được những đầu vào này, đặc biệt là những công nhân lành nghề.
Khi đó, Chrysler sẽ không thể sản xuất đủ số PT Cruiser cần thiết để đáp
ứng nhu cầu của người tiêu dùng và công ty bắt đầu tăng giá. Cùng lúc đó,
các công nhân sẽ nhận ra Chrysler đang thiếu nhân công và công đoàn bắt
đầu đấu tranh đòi tăng lương.
Câu chuyện chưa dừng lại ở đây. Điều tương tự sẽ xảy ra với cả nền kinh
tế, chứ không chỉ riêng Chrysler. Nếu tỷ lệ lãi suất thấp bất thường, các nhà
sản xuất sẽ vay tiền để đầu tư vào những hệ thống máy tính và phần mềm
mới, còn người tiêu dùng sẽ tận dụng tối đa thẻ VISA để mua ti vi màn
hình rộng và những chiếc tàu tuần dương Caribe. Khi những nhà sản xuất ô
tô sản xuất hết công sức và IBM đang phải bán tất cả số máy tính được sản