xuất, thì những hãng này sẽ nâng giá sản phẩm. (Khi cầu vượt quá cung,
các hãng có thể tăng giá mà vẫn tiêu thụ được sản phẩm/dịch vụ.) Nói tóm
lại, chính sách “tiền tệ dễ dàng” do Cục Dự trữ Liên bang ban hành có thể
khiến nhu cầu của người tiêu dùng vượt quá khả năng sản xuất của nền
kinh tế. Cách duy nhất để hạn chế tình trạng cầu vượt quá cung là nâng giá
sản phẩm. Và kết quả cuối cùng là lạm phát.
Giá PT Cruiser tăng lên và không ai được lợi hơn từ sự kiện này. Đúng
là, doanh thu của Chrysler đã tăng, nhưng công ty cũng phải trả nhiều hơn
cho các nhà cung ứng cũng như công nhân. Công nhân được trả lương cao
hơn, nhưng họ cũng phải trả mức giá cao hơn cho những nhu cầu cơ bản.
Các con số thay đổi khắp nơi, nhưng năng suất của nền kinh tế và GDP
thực tế, thước đo mức sống sung túc, đều giảm mạnh. Vòng quay lạm phát
khi đã bắt đầu sẽ rất khó có thể phá vỡ. Các doanh nghiệp và các công nhân
ở khắp mọi nơi bắt đầu không ngừng tăng giá và thực tế đã làm cho giá liên
tục tăng.
Tốc độ tăng trưởng cho phép không gây ra lạm phát của nền kinh tế được
gọi là “tốc độ quy định”. Chúng ta có rất nhiều biện pháp để tăng số lượng
sản phẩm mà một đất nước có thể sản xuất. Chúng ta có thể làm việc thêm
giờ, tuyển thêm công nhân, mua thêm máy móc mới và các dạng tư bản
khác liên quan đến quá trình sản xuất sản phẩm. Hay, chúng ta có thể tăng
năng suất lao động nhờ một tiến bộ công nghệ nào đó. Tuy nhiên, mỗi
nguồn lực tăng trưởng này đều có hạn chế riêng. Nguồn nhân lực khan
hiếm. Tư bản cũng khan hiếm. Tốc độ đổi mới của công nghệ có hạn và
không thể dự đoán được. Cuối thập niên 1990, các công nhân sản xuất ô tô
ở Mỹ đe dọa tiếp tục đình công bởi vì họ đang bị buộc phải làm việc ngoài
giờ quá mức cho phép. Trong khi đó, các nhà hàng bán đồ ăn nhanh lại
chào mời người lao động với những khoản tiền thưởng hấp dẫn. Rõ ràng,
chúng ta đang rơi vào khủng hoảng. Theo tính toán của các nhà kinh tế học,
tốc độ tăng trưởng phù hợp của nền kinh tế Mỹ vào khoảng 3% mỗi năm.