lạm phát giảm xuống còn 3%. Rõ ràng, nếu ngay từ đầu bữa tiệc không
vượt ra khỏi tầm kiểm soát thì mọi chuyện đã dễ dàng hơn và thiệt hại cũng
ít hơn rất nhiều.
Nhờ đâu, Cục Dự trữ Liên bang có được nguồn sức mạnh phi thường
này? Xét cho cùng, các ngân hàng thương mại vẫn chỉ là những doanh
nghiệp tư nhân. Cục Dự trữ Liên bang không thể buộc Citibank tăng hay
giảm tỷ lệ lãi suất đối với những khoản vay mua ô tô hay những khoản thế
chấp nhà của khách hàng. Đúng hơn là, quá trình này diễn ra không trực
tiếp. Chúng ta hãy cùng nhớ lại trong Chương 7 có một nhận định, tỷ lệ lãi
suất thực chất chỉ là tỷ lệ thuê tư bản, hay “giá của đồng tiền”. Cục Dự trữ
Liên bang kiểm soát cung tiền của Mỹ. Tiền có nét tương đồng với những
căn hộ: cung càng lớn, tiền thuê càng rẻ. Cục Dự trữ Liên bang thay đổi tỷ
lệ lãi suất bằng cách thay đổi số quỹ của các ngân hàng thương mại. Nếu có
dư tiền, các ngân hàng sẽ phải cắt giảm tỷ lệ lãi suất để thu hút thêm người
vay. Còn khi tư bản khan hiếm, điều ngược lại sẽ đúng. Đó chính là quy
luật cung cầu, trong đó, cung thuộc quyền kiểm soát của Cục Dự trữ Liên
bang.
Những quyết định tăng, giảm hay giữ nguyên tỷ lệ lãi suất thường do
một hội đồng có tên gọi Hội đồng Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc
Cục Dự trữ Liên bang đưa ra. Hội đồng này bao gồm Hội đồng Thống đốc,
Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York và thống đốc của bốn
ngân hàng dự trữ liên bang khác luân phiên nắm quyền phủ quyết. Thống
đốc Cục Dự trữ Liên bang đồng thời cũng là chủ tịch của FOMC. Như vậy,
có thể nói, quyền lực của Alan Greenspan đến từ chiếc ghế chủ tọa khi
FOMC đưa ra các quyết định về tỷ lệ lãi suất.
Nếu muốn kích thích nền kinh tế bằng cách hạ thấp tỷ lệ lãi suất, FOMC
có thể sử dụng hai công cụ luôn có sẵn trong tay là tỷ lệ chiết khấu và tỷ lệ
lãi suất liên bang. Tỷ lệ chiết khấu là tỷ lệ lãi suất mà tại đó các ngân hàng
thương mại có thể vay tiền trực tiếp từ Cục Dự trữ Liên bang. Khi tỷ lệ