lệ lạm phát lên đến 10%. Những người cho vay cũng phải tiến hành những
tính toán tương tự. Cho ai đó vay tiền trong ba mươi năm với một tỷ lệ lãi
suất cố định rủi ro lớn trong một môi trường lạm phát. Vì vậy, khi những
người cho vay lo sợ lạm phát xảy ra trong tương lai, họ sẽ xây dựng cho
mình một hàng rào bảo vệ. Họ càng lo sợ lạm phát bao nhiêu, thì hàng rào
bảo vệ sẽ càng được thắt chặt bấy nhiêu. Mặt khác, nếu ngân hàng trung
ương chứng tỏ sự nghiêm túc trong vấn đề ngăn chặn lạm phát, thì hàng rào
bảo vệ đó sẽ được nới lỏng. Một trong những lợi ích to lớn nhất mà tỷ lệ
lạm phát thấp, ổn định của thập niên 1990 mang lại là những người cho vay
trở nên bớt lo sợ hơn về lạm phát trong tương lai. Kết quả là, tỷ lệ lãi suất
dài hạn giảm đáng kể, khiến sức mua bất động sản và những món hàng có
giá trị lớn khác tăng cao. Robert Barro, một nhà kinh tế học của Đại học
Harvard, người đã nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế của gần một trăm
quốc gia trong suốt mấy thập kỷ, đã xác nhận lạm phát nghiêm trọng kéo
theo tốc độ tăng trưởng GDP thực tế chậm hơn.
Do đó, các chính phủ và các ngân hàng trung ương luôn coi việc đấu
tranh chống lạm phát là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Ngay cả nếu họ có
phạm phải những sai lầm mười mươi khi cố gắng kiểm soát các nền kinh tế
trong “giới hạn tốc độ cho phép”, chúng ta vẫn có thể hy vọng bùng nổ lạm
phát sẽ ít nghiêm trọng hơn, không kéo dài, chứ chưa nói đến lạm phát phi
mã. Tuy nhiên, đó không phải là những gì chúng ta thấy trên thực tế. Nền
kinh tế của các quốc gia trên thế giới không chỉ nhanh hơn giới hạn tốc độ,
mà còn đang chạy với tốc độ phá hủy. Tại sao vậy? Bởi vì các chính phủ
thiển cận, thối nát, hay liều lĩnh đôi khi có thể lợi dụng lạm phát đang tăng
để đạt được mục đích của họ. Trong Chương 2, chúng ta đã nói rất nhiều về
sức mạnh của các động cơ. Tuy nhiên, hãy xem bạn có thể chắp nối vấn đề
hóc búa này lại không: (1) Các chính phủ thường nợ rất nhiều, đặc biệt là
những chính phủ có vấn đề; (2) Lạm phát có lợi cho những người vay nợ;
(3) Tỷ lệ lạm phát thuộc quyền kiểm soát của chính phủ. Như vậy, bằng
cách giật chiếc dây lạm phát, các chính phủ hoàn toàn có thể tự trả nợ cho
mình.