dài đến tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, ở những nơi quá trình cai trị gặp
nhiều khó khăn, như Congo, những kẻ xâm chiếm chỉ tập trung vào việc
mang của cải về nước càng nhanh càng tốt, mà không quan tâm đến các vấn
đề khác.
Nghiên cứu tiến hành điều tra trên 64 thuộc địa cũ và phát hiện ra rằng
sự chênh lệch về của cải hiện tại của họ có thể là do sự khác biệt về chất
lượng của các thể chế chính phủ cai trị trước đó. Ngược lại, chất lượng của
những thể chế chính phủ này lại phụ thuộc vào mô hình xâm chiếm thuộc
địa sơ khai. Nguồn gốc hợp pháp của các nước thực dân như Anh, Pháp, Bỉ
không có ảnh hưởng đáng kể (mặc dù chất lượng thể chế do người Anh đặt
ra có vẻ như tốt hơn bởi thuộc địa của họ là những vùng đất dễ cai trị hơn).
Về cơ bản, phương thức quản lý hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng.
Ngân hàng Thế giới đã xếp hạng 150 đất nước theo sáu thước đo chủ yếu
về quản lý, như trách nhiệm giải trình, gánh nặng quản lý, quy định luật
pháp, tham nhũng, v.v... Có một mối quan hệ nhân quả rõ ràng giữa phương
thức quản lý hiệu quả và những thành tựu phát triển cao, như thu nhập bình
quân đầu người cao hơn, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm, v.v... Chúng ta
không nhất thiết phải nhiệt tình ủng hộ hệ thống thuế, nhưng ít nhất cũng
nên tôn trọng nó dù là miễn cưỡng.
Quyền sở hữu. Quyền sở hữu tài sản có ảnh hưởng rất lớn đến người
nghèo. Các nước phát triển có rất nhiều ví dụ về quyền sở hữu không chính
thức: nhà xưởng, khu dân cư xây dựng trên những mảnh đất công, do chính
phủ sở hữu và bị bỏ quên, v.v... Các gia đình và doanh nghiệp đã đầu tư
đáng kể vào “những tài sản” của họ. Nhưng mối quan hệ giữa họ và những
tài sản đó rất khác so với những người cùng cấp ở các nước phát triển: Họ
không có tư cách pháp nhân đối với tài sản. Họ không thể cho thuê, chia
nhỏ, bán, hay chuyển nhượng hợp pháp những tài sản này cho người khác.
Và quan trọng nhất là, họ không thể sử dụng chúng làm vật ký quỹ để huy
động vốn.