Không có quy tắc nào quá đáng. Có một số việc chính phủ cần làm và
một số việc không nên làm. Các thị trường phải tự mình thực hiện những
nhiệm vụ khó khăn. Hãy cùng nói về điều 575 và 615 trong Bộ luật dân sự
của Nga. Những quy định này sẽ rất quan trọng nếu bạn là chủ một cơ sở
kinh doanh giản đơn như cơ sở lắp đặt máy bán hàng tự động ở Moscow.
Điều 575 cấm các cơ sở kinh doanh không được cho không bất kỳ thứ gì,
cụ thể trong ví dụ trên là không gian mà Coca-Cola lắp đặt một chiếc máy
bán hàng tự động. Trong khi đó, điều 615 lại cấm cho thuê lại tài sản mà
không có sự chấp thuận của chủ sở hữu, không gian đặt chiếc máy bán
hàng tự động có thể coi là đất thuê lại. Tuy nhiên, chính phủ lại có thêm
quy định cấm các doanh nghiệp thương mại hoạt động mà không có máy
đếm tiền. Và bởi vì đồ uống không cồn từ một chiếc máy là một giao dịch
bán lẻ, nên nó sẽ phải trải qua các kiểm tra về hỏa hoạn, sức khỏe và an
toàn.
Quy định thái quá thường đi kèm với tham nhũng. Các quan chức chính
phủ dựng lên những rào cản để hợp lý hóa những khoản hối lộ. Việc lắp đặt
một chiếc máy bán hàng tự động ở Moscow trở nên dễ dàng hơn nhiều nếu
bạn thuê đúng “công ty.” Vậy nếu bạn thành lập một doanh nghiệp mới ở
một nước phát triển thì sao? Một lần nữa, Hernando de Soto đã làm một
việc phi thường. Ông cùng các thành viên trong nhóm nghiên cứu mở một
cửa hàng bán quần áo nhỏ ở ngoại ô Lima với tư cách một doanh nghiệp
đăng ký kinh doanh hợp pháp và quyết tâm không hối lộ để các nỗ lực có
thể phản ánh chính xác nhất toàn bộ chi phí của việc tuân thủ luật pháp.
(Cuối cùng, các quan chức đã yêu cầu họ hối lộ mười lần và tìm mọi cách
ngăn chặn quá trình thực hiện dự án). Nhóm đã làm việc sáu giờ mỗi ngày
trong vòng 42 tuần để xin 11 giấy phép từ bảy thể chế chính phủ khác nhau.
Những nỗ lực của họ, không kể thời gian, đáng giá 1.231 đô-la, gấp 31 lần
mức lương tháng tối thiểu ở Peru. Và tất cả chỉ là để mở một cửa hàng quần
áo.