Làm thế nào chúng ta có thể khiến các công ty tư nhân quan tâm đến
chứng mất ngủ (một chứng bệnh mà chưa một công ty lớn nào tiến hành
nghiên cứu) nhiều như họ quan tâm đến bệnh mất trí ở chó (chứng bệnh mà
hãng Pfizer đã tiến hành nghiên cứu loại thuốc điều trị)? Chúng ta cần thay
đổi động cơ của họ. Một ý tưởng được nhiều nhà kinh tế học đồng tình là
chính phủ hay cơ quan quốc tế nên xác định căn bệnh cần điều trị, rồi sau
đó, đề nghị một khoản tiền thưởng cho công ty tìm ra phương pháp điều trị
hiệu quả. Các chính phủ sẽ được hưởng quyền sở hữu sáng chế và phân
phối loại thuốc đó với giá rẻ cho bệnh nhân thiếu thuốc. Công ty dược sẽ
nhận được những gì cần thiết để tiến hành nghiên cứu: lợi nhuận đầu tư.
Các nước nghèo ở vùng nhiệt đới cũng có thể thoát khỏi chiếc bẫy của
một nền nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo bằng cách mở cửa nền kinh tế.
Sachs lưu ý: “Nếu một nước có thể tăng thu nhập thông qua các khu vực
phi nông nghiệp (ví dụ, thông qua sự mở rộng các sản phẩm xuất khẩu công
nghiệp), thì gánh nặng của các nước nhiệt đới sẽ có thể được giải phóng
bớt.” Điều này một lần nữa lại đưa chúng ta trở về với người bạn cũ mang
tên thương mại.
Mở cửa thương mại. Chúng ta có cả một chương để nói về những lợi
ích trên lý thuyết của thương mại. Những bài học này được chính phủ của
nhiều nước nghèo áp dụng trong nhiều thập kỷ gần đây. Lý luận sai lầm về
bảo hộ cho rằng việc cấm nhập khẩu hàng hóa nước ngoài sẽ làm cho đất
nước trở nên giàu có hơn quả thật rất hấp dẫn. Những chiến lược như “tự
cung tự cấp” và “nhà nước quản lý tập trung” là những dấu hiệu phân biệt
hệ thống cai trị của những nước hậu thuộc địa như Ấn Độ và rất nhiều nước
châu Phi. Các rào cản thương mại sẽ “ấp trứng” những ngành kinh tế trong
nước để chúng có thể tăng trưởng đủ mạnh và đủ sức cạnh tranh quốc tế.
Kinh tế học cho chúng ta biết điều ngược lại, các công ty được bảo vệ khỏi
cạnh tranh không mạnh hơn; chúng chỉ trở nên béo phì và chậm chạp.
Chính trị học cho chúng ta biết rằng khi một ngành được ấp trứng, ngành