LỜI BẠT
Cuộc sống năm 2050 - Bảy câu hỏi
Tuy giúp chúng ta hiểu rõ và cải thiện thế giới không hoàn hảo này,
nhưng xét cho cùng, kinh tế học cũng chỉ là một hệ thống các công cụ.
Chúng ta là người quyết định sẽ sử dụng các công cụ này như thế nào.
Giống như những quy định vật lý khiến các cuộc thám hiểm trên mặt trăng
của con người trở thành điều tất yếu, kinh tế học cũng không quy định
trước tương lai. Vật lý học tạo điều kiện để các cuộc thám hiểm nằm trong
khả năng có thể; con người chỉ chọn thực hiện điều đó thông qua việc cống
hiến những nguồn lực mà lẽ ra, có thể đã được đầu tư vào nơi khác. John F.
Kennedy không thay đổi các định luật vật lý khi tuyên bố, Mỹ sẽ đưa con
người lên mặt trăng. Ông chỉ đặt một mục tiêu cho ngành khoa học. Kinh tế
học cũng tương tự. Nếu chúng ta muốn tận dụng hiệu quả các công cụ này,
trước tiên, chúng ta phải biết chắc mình đang cố gắng đi đến đâu. Chúng ta
phải xác định đâu là những vấn đề cần ưu tiên, chúng ta sẵn sàng đánh đổi
cái gì và chúng ta sẵn sàng chấp nhận hay không chấp nhận những kết quả
gì. Hay nói cách khác, chúng ta phải biết thế nào là cuộc sống tốt đẹp trước
khi kinh tế học có thể đưa chúng ta đến với cuộc sống tốt đẹp đó. Dưới đây
là bảy câu hỏi đáng để chúng ta suy ngẫm về cuộc sống năm 2050. Chúng
đáng để suy ngẫm không phải bởi vì chúng là những dự đoán cho tương lai,
mà bởi vì những quyết định của chúng ta ngày hôm nay sẽ ảnh hưởng đến
cuộc sống của chúng ta sau này.
Phải mất bao nhiêu phút để sản xuất ra một ổ bánh mì? Đây là câu
hỏi về năng suất. Từ quan điểm vật chất, đó có vẻ như là toàn bộ vấn đề
đáng quan tâm. Gần như tất cả mọi thứ mà chúng ta đã thảo luận - các thể
chế, quyền tài sản, đầu tư, nguồn nhân lực - đều cùng đi đến kết luận cuối