Hãy nhớ rằng tối đa hóa lợi ích không phải là một vấn đề đơn giản. Cuộc
sống luôn phức tạp và thay đổi. Có vô số thứ mà chúng ta có thể thực hiện
vào bất cứ lúc nào. Thực tế, mọi quyết định chúng ta làm đều đòi hỏi phải
có sự đánh đổi nào đó. Chúng ta có thể đánh đổi lợi ích hiện tại để lấy lợi
ích tương lai. Ví dụ, bạn có thể rất sung sướng khi nện mạnh lên đầu sếp
bằng một mái chèo trong chuyến picnic tổ chức hàng năm của công ty.
Nhưng sự bùng nổ đó có lẽ phải đền bù nhiều hơn vì bạn sẽ chẳng thu được
lợi ích gì khi mất nhiều năm ngồi tù liên. Nói nghiêm túc hơn, nhiều quyết
định quan trọng của chúng ta đòi hỏi phải có sự cân bằng giữa giá trị tiêu
dùng hiện tại với giá trị tiêu dùng tương lai. Chúng ta có thể ăn mì tôm suốt
những năm học đại học để đạt được công cụ cải thiện rất nhanh mức sống
của chúng ta sau này. Hoặc ngược lại, chúng ta có thể dùng thẻ tín dụng để
mua một chiếc tivi màn hình lớn ngày hôm nay dù khoản lãi trên số dư nợ
thẻ tín dụng đó sẽ làm giảm số tiền mà chúng ta có thể tiêu dùng trong
tương lai.
Tương tự, chúng ta cũng cần cân bằng giữa công việc và thời gian nghỉ
ngơi. Nếu làm việc chăm chỉ 90 tiếng một tuần, một nhân viên ngân hàng
đầu tư sẽ có thu nhập rất cao nhưng lại không có nhiều thời gian để hưởng
thụ những hàng hóa có thể mua bằng chính thu nhập đó. Cậu em trai 29
tuổi của tôi là một nhà tư vấn quản lý thành công với mức lương rất cao.
Nhưng đổi lại, em tôi làm việc quá nhiều, không theo một giờ giấc cố định
nào cả và hầu như chẳng hưởng thụ được gì.
Rõ ràng, dù chúng ta kiếm được nhiều tiền nhưng số lượng hàng hóa và
dịch vụ mà chúng ta có thể mua được là hữu hạn. Khi bạn mua cuốn sách
này, có nghĩa là bạn đã bỏ qua một cuốn sách khác. Trong khi đó, thời gian
là một trong những nguồn lực khan hiếm nhất của chúng ta. Ngay lúc này,
bạn đang đọc sách thay vì làm việc, chơi đùa với chú chó cưng, nộp đơn
theo học trường luật, đi mua tạp phẩm, v.v... Cuộc sống là những sự đánh
đổi và kinh tế học cũng vậy.