chế nào buộc nó phải đóng cửa. Khi chính phủ còn cung cấp vốn, doanh
nghiệp sẽ không cần sản xuất bất cứ thứ gì để bán vì việc đó sẽ rất tốn kém.
Những câu chuyện trong các ví dụ trên có vẻ thật khôi hài nhưng thực tế
chúng rất nghiêm túc. Ngay lúc này, nền kinh tế Triều Tiên đang ở trong
tình trạng hỗn độn đến mức đất nước này không thể tự cung cấp đủ lương
thực cho mình, nó cũng không sản xuất được bất kỳ thứ gì có giá trị để trao
đổi lấy lương thực với thế giới bên ngoài. Kết quả, nạn đói đang hoành
hoành đã giết chết khoảng hai mươi triệu người và đẩy 60% trẻ em Triều
Tiên rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng. Những người bị đói phải ăn cỏ và
sục sạo trên những đường ray tàu hoả để kiếm những mẩu than hay thức ăn
rơi vãi khi đoàn tàu chạy qua.
Các nhà lập chính sách thường bỏ qua tầm quan trọng của động cơ.
Nguyên nhân của hiện tượng thiếu điện trong thời gian dài ở California vô
cùng đơn giản: Nhu cầu về điện lớn hơn nguồn cung. Tuy nhiên, các chính
trị gia, lúc đầu, đã từ chối làm một việc vốn là một phần không thể thiếu
của bất kỳ giải pháp nào: tăng giá điện. Theo quy định, người tiêu dùng
phải tiết kiệm điện nhưng họ lại không nhận được bất kỳ động cơ tài chính
nào để thực hiện điều đó. Thực tế đáng buồn là đồng tiền mạnh hơn lương
tâm. Bạn có thể cảm thấy hơi day dứt khi bật điều hòa, nhưng vấn đề sẽ
khác khi bạn biết rằng làm như vậy bạn sẽ tốn thêm 200 đô-la một tháng.
(Tôi có một kỷ niệm thời thơ ấu rất đáng nhớ về cha mình. Ông thường đi
quanh nhà đóng cửa buồng ở mỗi phòng và nói với chúng tôi rằng ông
không trả tiền điều hòa nhiệt độ cho những buồng riêng đó của chúng tôi.
Thứ ông quan tâm không phải là môi trường, mà là tiền điện ông phải trả
mỗi tháng). Vì vậy, bất kỳ giải pháp dài hạn nào ở California trong tương
lai đều phải làm sao để giá điện thể hiện rõ sự khan hiếm nguồn điện.
Nền giáo dục công của Mỹ hoạt động giống guồng máy chính phủ ở
Triều Tiên hơn là hoạt động của các doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon.
Tôi sẽ không can thiệp vào vấn đề học phí, nhưng tôi sẽ bàn đến một hiện