những cung tròn mà độ cong vẫn vững chắc được cả trong cái nóng
rung rinh. Sau đó ông nhận được thư của Viện hàn lâm: hạ vũ khí
thôi, Newton đã đúng, quả đất bẹt xuống, mọi việc uổng cả.
Bonpland làm một ngụm lớn từ chai vang. Có vẻ như anh quên
mất là có ly cốc trên bàn và làm một cử chỉ không hay. Humboldt
ném sang anh ánh mắt bất bình.
Vậy là kẻ bại trận quay về nhà, cha Zea kể. Bốn tháng trời dọc
theo con sông ngày đó còn vô danh mà sau này ông đặt cho tên gọi
là Amazon. Trên đường đi ông vẽ bản đồ, đặt tên cho đồi núi, ghi lại
nhiệt độ, các loài cá, côn trùng, rắn và người. Không phải vì ông
quan tâm mấy thứ đó, mà chỉ để khỏi phát điên. Sau này ở Paris
không bao giờ ông nói về những chuyện mà ai đó trong nhóm lính
của ông vẫn còn nhớ: tiếng kêu trầm trâm và những mũi tên độc vô
cùng chính xác bắn ra từ bụi rậm, ánh sáng ma trơi trong đêm, và
đáng chú ý nhất là những lệch lạc cực nhỏ trong thực tại khi thế giới
tiến một bước vào siêu thực. Đó là lúc cây cối trông vẫn như cây cối,
dòng nước xoáy uể oải còn là dòng nước xoáy, song người ta rùng
mình nhận ra đó chỉ là sự nhại màu của một cái gì đó không rõ.
Cũng trong thời gian này La Condamine phát hiện ra con kênh mà
tay Aguirre điên rồ nhắc đến, khúc nối giữa hai con sông lớn nhất
châu lục.
Anh sẽ chứng minh là con kênh ấy có thật, Humboldt nói. Các
dòng chảy lớn đều nối nhau. Thiên nhiên là một tổng thể.
Thật ư ? Cha Zea gật gù vẻ hoài nghi. Nhiều năm sau, La
Condamine đã thành viện sĩ hàn lâm từ lâu, luống tuổi và nổi tiếng,
hiếm khi ông còn hét lên choàng dậy và nghe nói thậm chí còn đến
được cửa Chúa, chính ông còn tuyên bố rằng con kênh chỉ là một
lầm lẫn. Giữa các con sông lớn, như ông nói, không có sự kết nối trên
mặt đất. Bởi nó sẽ xô lục địa vào sự hỗn mang không chấp nhận nổi.