các cuộc thương nghị ngoại giao. Vua đòi ông có mặt hầu như trong
mỗi bữa ăn tối. Người rất mê nghe những báo cáo về Tân thế giới.
Nghĩa là được trả lương để ăn và tán chuyện ?
Viên thư ký cười khúc khích, chợt tái mặt xin lỗi, nói anh ta bị
ho.
Không phải các quy luật tự nhiên là những kẻ bạo chúa đích
thực, Eugen phá vỡ sự im lặng. Trong nước có những phong trào
mạnh mẽ, tự do không chỉ còn là một từ của những người ủng hộ
Schiller.
Phong trào của lũ lừa, Gauss nói.
Ông luôn đồng cảm với Goethe hơn, Humboldt nói. Schiller
gần gũi với anh trai của ông hơn.
Lũ lừa không bao giờ làm nên công chuyện gì cả, Gauss nói. Có
thể chúng thừa hưởng được chút tiền và một cái tên danh giá,
nhưng không phải trí thông minh.
Anh trai ông, Humboldt nói, mới viết một bài luận sâu sắc về
Schiller. Bản thân ông không gần văn chương lắm. Sách vở không
chứa con số làm ông thấy bất ổn. Vào nhà hát ông chỉ thấy ngán
ngẩm.
Hoàn toàn đúng, Gauss thốt lên.
Ông cho rằng nghệ sĩ quá ư dễ quên nhiệm vụ của mính: miêu
tả cái tồn tại. Nghệ sĩ cho cái lệch lạc là thế mạnh, nhưng chuyện bịa
đặt làm người ta rối trí, phong cách hóa làm sai lạc thế giới. Hãy
xem, trang trí sân khấu không che giấu nổi vật liệu làm ra chúng là
bìa cứng, họa phẩm Anh lỏng bõng như bát canh sơn dầu, tiểu
thuyết lạc lối, biến thành ngụ ngôn dối trá vì tác giả gắn ý tưởng ngô
nghê của mình vào tên các nhân vật lịch sử.