phách. Trong một viên hổ phách có một con nhện mà Humboldt
chưa bao giờ nhìn thấy, trong một viên khác là một con bò cạp có
cánh mà người ta phải gọi là sinh vật thần thoại mới đúng.
Humboldt để viên đá sát mắt và nheo mắt, nhưng chẳng ích gì, mắt
ông đã kém. Phải sai người vẽ lại hình này mới được !
Tất nhiên, tiếng Ehrenberg đột nhiên vang lên sau lưng ông.
Ehrenberg lấy viên đá từ tay ông và đi khỏi. Humboldt định gọi ông,
rồi lại thôi. Có lẽ cũng khó coi trước mặt mọi người. Ông không
được xem bức vẽ, và cũng chẳng bao giờ thấy lại viên hổ phách, về
sau, khi ông hỏi Ehrenberg về việc đó thì ông ta không nhớ nữa.
Họ rời Tartu đi về phía kinh đô. Một liên lạc viên của triều
đình phóng ngựa đi đầu, hai sĩ quan nối đuôi, cả ba giáo sư và một
nhà địa chất học của Viện hàn lâm Saint Petersburg tên là Volodin
mà Humboldt luôn không để ý khi ông ta có mặt, vì thế lần nào ông
cũng giật mình khi Volodin nhẹ nhàng thì thầm nói xen vào. Tựa hồ
như có gì đó trong nhân vật mờ nhạt ấy không chịu cho trí nhớ lưu
lại, hoặc ông ta đặc biệt kiệt xuất trong nghệ thuật tàng hình. Đến
sông Narva họ phải chờ hai hôm, cho đến khi bớt băng trôi. Bây giờ
thì cả đoàn đông đến nỗi phải dùng con phà lớn qua sông. Phà chỉ đi
được khi sông hết băng nên họ tới Saint Petersburg muộn.
Đại sứ Phổ theo Humboldt đến buổi yết kiến. Sa hoàng nắm
tay ông thật lâu, cả quyết rằng chuyến viếng thăm của ông là niềm
vinh dự của nước Nga, hỏi thăm anh trai của Humboldt mà Người
còn nhớ rõ từ cuộc đại nghị ở Viên.
Nhớ với nghĩa tích cực ?
Hừm, Sa hoàng nói, thú thật là Người luôn thấy hơi sợ ông.
Mỗi đại sứ châu Âu tổ chức một buổi đón tiếp Humboldt. Ông
ăn tối nhiều lần với gia đình Sa hoàng. Bá tước Cancrin, bộ trưởng
tài chính tăng gấp đôi kinh phí đi lại đã định.