Đến tận Núi Nam châm họ mới dừng lại. Giữa đồng bằng
Vissokaya Gora chồi lên một núi quặng bằng đất sét vàng trắng, tất
cả la bàn đều mất phương hướng, và Humboldt chuẩn bị leo lên núi.
Có lẽ do cảm lạnh nên ông trèo vất vả hơn ngày xưa; mấy lần
Ehrenberg phải đỡ ông, và có lần định cúi xuống nhặt một hòn đá
thì lưng ông đau đến nỗi phải nhờ Rost nhặt hộ. Nhưng chuyện đó
là thừa, vì ban lãnh đạo xưởng sắt địa phương đã đợi trên đỉnh để
trao một hộp đựng các mẫu quặng sắp xếp theo trật tự. Humboldt
cảm ơn với giọng khản đặc. Gió cuốn phần phật chiếc khăn len
quàng cổ của ông.
Vậy thì lại xuống núi, Rose hỏi ?
Vừa đến xưởng sắt, một thằng bé được dẫn đến. Nó tên là
Pavel, ông giám đốc nói, mười bốn tuổi và đần độn. Nhưng nó đã
tìm thấy cục đá này. Thằng bé xòe bàn tay nhớp bẩn.
Rõ ràng là kim cương, Humboldt nói sau khi đã kiểm tra kỹ.
Tiếng reo hò vang dậy, các quản đốc mỏ vỗ vai nhau, công
nhân nhảy múa, dàn đồng ca cất tiếng lần nữa, mấy thợ mỏ giáng
cho Pavel vài cái bạt tai thân thiện nhưng đau.
Không tồi, Volodin nói. Vừa ở trong nước mấy tuần mà đã tìm
thấy viên kim cương đầu tiên của Nga, đúng là bàn tay sư phụ.
Không phải ông tìm thấy, Humboldt nói.
Nếu ông được phép đưa ra một lời khuyên cho Humboldt,
Rose nói, thì tốt hơn là đừng nhắc lại câu đó.
Có một sự thật bề nổi và một sự thật nằm sâu hơn, là người
Đức càng phải biết điều đó.
Có gì quá đáng đâu, Rose hỏi, khi cho những người này cái mà
họ muốn, dù chỉ trong một thoáng thôi ?