Chuyến đi thật khủng khiếp. Mẹ khóc khi chia tay, cứ như là
anh đi Trung Hoa vậy, sau đó thì mặc dù đã hết sức quyết tâm, anh
cũng bật khóc. Xe ngựa lăn bánh, ban đầu trên xe ngồi đầy những
người hôi hám, một bà ăn trứng sống cả vỏ, một ông không ngơi
miệng kể những chuyện tiếu lâm báng bổ Chúa song tuy vậy chẳng
có gì buồn cười. Gauss cố phớt lờ tất cả bằng cách đọc số mới nhất
của tờ Nguyệt san phát triển thiền văn và địa lý. Một hành tinh ma
hiện ra mấy đêm liền trong ống nhòm của nhà thiên văn Piazzi
(Giusepper Piazzi: 1746-1826: nhà thiên văn học, toán học và thần học người Ý )
, và người ta
chưa kịp xác định quỹ đạo của nó thì nó lại biến mất. Có thể là một
sự nhầm lẫn, cũng có thể đó là một hành tình di chuyển giữa các
tinh cầu vòng trong và vòng ngoài. Nhưng chẳng mấy chốc Gauss
phải bỏ báo xuống, vì mặt trời đã lặn, xe ngựa lắc mạnh quá và con
mụ nốc trứng sống cứ nhòm qua vai anh. Anh nhắm mắt lại. Một hồi
lâu anh thấy lính hành quân, rồi một vòm trời
vạch đầy những
đường từ tinh, rồi Joharma, sau đó anh thức giấc. Nước mưa trút
xuống từ bầu trời ngầu đục buổi sớm, nhưng đêm vẫn chưa qua.
Không thể tưởng tượng ra còn những ngày đêm tiếp theo, mười một
ngày, mười một đêm, tổng cộng hai mươi hai buổi.
Đến Konigsberg
(thủ phủ của Đông Phổ, sau Thế chiến II sáp nhập vào Liên Xô và
đổi tên thành Kaliningrad thuộc Nga ngày nay)
, anh gần như xỉu đi vì mệt, đau
lưng và chán chường. Không có tiền để nghỉ ở nhà trọ, anh đến ngay
trường đại học và nhờ một gã quản lý mặt mũi ù lì chỉ đường. Như
mọi người ở đây, gã nói giọng địa phương lạ hoắc, đường phố nom
lạ lẫm, các cửa hàng treo biển chữ không đọc được, và đồ ăn ở các
nhà hàng không có mùi đồ ăn. Chưa bao giờ anh đi xa nhà như thế.
Rốt cuộc anh cũng tìm ra địa chỉ. Anh gõ cửa, đợi một hồi lâu
thì một ông già bụi bặm kín người ra mở, và không cho Gauss kịp tự
giới thiệu, ông nói là ông chủ không tiếp.
Gauss cố giải thích anh là ai và từ đâu đến.