Ấn tượng đấy, Humboldt nói, nhưng đó là điện một chiều và
cả thế giới biết rồi. Chính anh cũng có cái máy tương tự, với tác
dụng giống thế, và dòng điện tạo ra còn mạnh hơn. Anh chìa lọ tích
điện Leyden ra, khi lấy miếng lông thú xát vào thành lọ thì người ta
tạo ra được những tia chớp phân nhánh li ti.
Ông lão im lặng gãi cằm.
Humboldt vỗ vai ông, chúc ông có nhiều thành công trong
tương lai. Bonpland toan dúi cho ông ít tiền, nhưng ông không nhận.
Ông không thể biết điều đó, ông nói. Ông quá xa cách mọi thứ.
Tất nhiên, Bonpland nói.
Ông lão xì mũi và nhắc lại là ông không thể biết điều đó. Cho
đến khi khuất tầm nhìn, họ vẫn thấy ông đứng lom khom trước nhà
mình và dõi mắt theo họ.
Họ đến bên một ao nước. Bonpland cởi quần áo, lội xuống,
chựng lại, thở dài và đổ vật xuống. Trong nước có loài lươn phóng
điện.
Ba hôm sau, Humboldt chép lại kết quả khảo cứu của họ bằng
bàn tay tê dại. Những con vật có thể gây giật điện mà không cần
chạm vào. Điện giật không tạo chớp, không thể hiện trên đồng hồ đo
điện, không làm lay động cả kim từ, nói vắn tắt, không nhận được ra
qua dấu hiệu nào ngoài sự đau đớn do nó gây ra. Tóm con vật bằng
cả hai tay hoặc giữ nó bằng một tay còn tay kia chạm vào một miếng
kim loại thì tác động còn mạnh hơn lên. Cũng như thế, trong trường
hợp hai người cầm tay nhau và chỉ một trong hai người sờ vào con
vật thì cả hai đều thấy bị giật cùng một lúc và bị giật mạnh như
nhau. Chỉ có phần trước của con lươn là nguy hiểm, bản thân con
lươn không bị giật bởi chính động tác phóng điện của mình. Và cú
đau thật khủng khiếp, mạnh đến nỗi người ta không hiểu có gì xảy
ra với mình. Nó chỉ thể hiện dưới dạng tê, lẫn lộn và chóng mặt, ta