mệnh danh là chủ nghĩa cổ điển mới với ý muốn quay trở lại những “khuôn
vàng thước ngọc” của chủ nghĩa cổ điển thế kỷ XVII đã lỗi thời.
Ngay từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, chủ nghĩa lãng mạn xuất hiện
trong văn học Pháp thể hiện sự thất vọng sâu sắc đối với lý tưởng của các
nhà văn hóa thời kỳ Ánh sáng, đối với kết quả của cuộc cách mạng tư sản
đã không thiết lập được một xã hội hợp lý như họ đã mơ ước mà lại mở
đường cho sự thống trị của giai cấp tư sản. Có mâu thuẫn không khắc phục
được giữa những khẩu hiệu mà cuộc cách mạng đề ra với thực tiễn tư sản
tầm thường, xấu xa. Chủ nghĩa lãng mạn chống lại chủ nghĩa cổ điển mới,
nhưng rồi bản thân nó cũng phân hóa thành hai dòng: Dòng lãng mạn phản
động hoàn toàn đối lập với lý tưởng của thời kỳ Ánh sáng và chủ trương
quay trở lại thời Trung cổ, đề cao phong kiến và Nhà thờ; và dòng lãng
mạn tiến bộ trung thành với những lý tưởng dân chủ, nhưng cự tuyệt thực
tiễn tư sản và đối lập với nó bằng ước mơ một tương lai đẹp đẽ xa xôi.
Chủ nghĩa lãng mạn, với thái độ quay lưng lại với thực tiễn tư sản không
đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh cách mạng trở nên quyết liệt vào
khoảng cuối những năm 20, đầu những năm 30. Do đó chủ nghĩa hiện thực
phê phán ra đời với nhiệm vụ bám chắc lấy thực tại xã hội đương thời,
nghiên cứu nó để phản ánh những mâu thuẫn nội tại của nó. Tuy nhiên,
trong thời gian đầu, chủ nghĩa hiện thực phê phán còn đứng chung trên một
trận tuyến với chủ nghĩa lãng mạn để chống lại chủ nghĩa cổ điển mới.
Không ít nhà văn hiện thực chủ nghĩa như Stendhal, Balzac... trong hồi đầu
còn ngộ nhận về chủ nghĩa lãng mạn tiến bộ rồi sau mới chuyển sang chủ
nghĩa hiện thực phê phán, chống lại chủ nghĩa lãng mạn. Tựu trung, chủ
nghĩa hiện thực phê phán đã hình thành trong cuộc đấu tranh chống chủ
nghĩa lãng mạn mà cũng đồng thời trong sự kế thừa trực tiếp những truyền
thống tiến bộ tốt đẹp nhất của chủ nghĩa lãng mạn.
II - ĐỜI SỐNG VÀ SÁNG TÁC CỦA STENDHAL