***
Tinh thần cách mạng của Stendhal thể hiện ngay trong quan điểm mỹ học,
trong nhận thức của ông về vai trò của nghệ thuật và của nghệ sĩ. Những ý
kiến của ông được trình bày trong những tác phẩm nghiên cứu về nghệ
thuật và nhất là trong tập luận chiến Racine và Shakespeare viết những năm
1823 - 1825. Lúc này người ta nhận thức về chủ nghĩa lãng mạn chưa được
rõ ràng, chính xác, cho nên Stendhal tuy nhân danh chủ nghĩa lãng mạn mà
viết bản luận chiến đả kích chủ nghĩa cổ điển mới, nhưng sự thực ông đã
đặt trong đó những cơ sở đầu tiên cho mỹ học hiện thực chủ nghĩa của ông.
Ông chỉ quan niệm chủ nghĩa lãng mạn như một trào lưu văn học mới, hợp
thời, có nhiệm vụ đả phá chủ nghĩa cổ điển là trào lưu văn học đã lỗi thời
không còn thích hợp với thời đại mới, xã hội mới nữa. Ông định nghĩa một
cách chung chung: “Chủ nghĩa lãng mạn là nghệ thuật đưa đến nhân dân
những tác phẩm văn học mà trong hiện tình tập quán và tín ngưỡng của họ
nó khả dĩ mang lại cho họ nhiều lý thú nhất” *c .
Nhưng ngay từ cái định nghĩa đó cũng đã toát ra những luận điểm cơ bản
của Stendhal về tính xã hội và tính lịch sử của nghệ thuật. Luận điểm thứ
nhất mà Stendhal tiếp thu được của các nhà văn hóa Ánh sáng và phát triển
xa hơn là, nghệ thuật về bản chất có tính chất xã hội, nó phục vụ những
mục đích xã hội. Nghệ sĩ chỉ thực hiện sứ mệnh của mình khi họ kéo xã hội
theo sau, giá trị của nhà văn chủ yếu là ở chỗ họ đã tham gia đến mức độ
nào vào những biến cố cách mạng, vào đời sống xã hội đương thời. Trong
Racine và Shakespeare, ông viết: “Tôi chẳng là gì cả nếu tôi cô độc. Tôi
chẳng là gì cả nếu đằng sau tôi chẳng ai đi theo. Và tôi là tất cả nếu độc giả
tự nhủ: Con người này vận dụng tư tưởng tiến lên trước”.
Từ đó Stendhal đi tới chỗ khẳng định rằng khi mà đời sống xã hội đã xảy ra
những biến chuyển lớn, người ta không thể đứng nguyên ở những vị trí mỹ
học cũ, khi mà điều kiện xã hội thay đổi thì quan niệm về cái đẹp cũng thay
đổi và nghệ thuật cũng phải thay đổi. Trong cuốn Lịch sử hội họa Ý, ông