bi kịch mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội, nó là chủ đề chung của nhiều tiểu
thuyết của Stendhal và được thể hiện xuất sắc nhất trong tiểu thuyết Đỏ và
Đen .
Trong cuộc đấu tranh văn học, Stendhal đề cập tới cả vấn đề bút pháp,
phong cách. Một mặt ông chống lại cái tính khoa trương, hoa mỹ, giả tạo
trong bút pháp của bọn cổ điển chủ nghĩa. Mặt khác, ông cũng đối lập với
bút pháp của phái lãng mạn chủ nghĩa mà người tiêu biểu nhất là
Chateaubriand. Phong cách của nhà văn này rất được thịnh hành trong
những năm 20, đó là lối văn bóng bẩy, kiểu sức như lối truyền giáo của bọn
nhà thơ, lối văn mà Marx rất ghê tởm, với cái thâm thúy giả tạo, cái phóng
đại phù phiếm, cái lối làm dáng bằng tình cảm, mầu mè, bóng bẩy, lạm
dụng hình dung từ, lạm dụng cổ ngữ, thổ âm, thuật ngữ để tạo ra cái gọi là
“mầu sắc địa phương”.
Stendhal chủ trương một bút pháp trong sáng, giản dị, ngắn gọn, đạt tới sự
chính xác tối đa. Trong một bức thư gửi cho Balzac, ông viết: “Tôi biết một
quy tắc duy nhất: Phải trong sáng. Nếu tôi không trong sáng, toàn bộ thế
giới của tôi không tồn tại được”. Ông kể lại rằng khi viết cuốn Tu viện
thành Parme, để đạt tới giọng văn chính xác và để cho việc biểu hiện luôn
luôn được tự nhiên và chân thực, hàng ngày ông đọc hai ba trang trong bộ
Dân luật của Napoléon. Chỉ một điều đó, chỉ một việc đi ngược lại cái thời
thượng chuộng lối văn đại cà sa của Chateaubriand đã khiến cho giới phê
bình văn học tư sản không ưa Stendhal và lưu truyền câu chuyện hoang
đường coi ông là một nhà văn bút pháp kém cỏi!
Stendhal chống lại mọi thứ kéo dài, ông không dùng sự mô tả rườm rà. Ở
điểm này bút pháp của ông khác hẳn bút pháp của Victor Hugo cũng như
của Balzac thường thiên về những mô tả kéo dài về ngoại hình, ngoại vật.
Stendhal, trái lại, mô tả rất ngắn, ông có khả năng chỉ bằng vài nét chính
xác có khi nêu lên cả một hiện tượng lớn, ông biết phát hiện ra cái gì là chủ
yếu nhất để nêu lên đặc trưng mặt này mặt khác của cuộc sống. Ví như