vĩ đại. Tài năng của Stendhal chỉ được một số ít người đương thời biết đến
và tiếp đón với một thái độ thông cảm, mà đó là những người xuất sắc nhất,
tài giỏi nhất của thời đại như Goethe, Pushkin, Balzac. Và quả nhiên, như
Stendhal đã dự đoán, mãi khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX mới
nhiều người đọc sách của ông, nghiên cứu và nhận hết giá trị lớn lao của sự
nghiệp sáng tác của ông. Và không ít người đi theo vết chân của ông, tôn
ông là bậc thầy lớn của “tiểu thuyết tâm lý” , thừa nhận ông là một trong
những kiện tướng của trào lưu chủ nghĩa hiện thực phê phán trong văn học
thế giới. Nói về Stendhal, nhà đại văn hào hiện thực xã hội chủ nghĩa
Marxim Gorki viết: “Nếu có thể so sánh tác phẩm của Stendhal với những
bức thư, có lẽ đúng hơn phải gọi những tác phẩm đó là những bức thư cho
tương lai”.
III - TIỂU THUYẾT ĐỎ VÀ ĐEN (1831)
Để viết tiểu thuyết Đỏ và Đen , Stendhal đã mượn chuyện của một vụ án có
thực đăng trên mục thời sự một tập san tòa án năm 1827. Một thanh niên là
Antoine Berthet, con một người thợ thủ công, sau khi học ở một chủng
viện, vào làm gia sư ở một gia đình và được bà chủ nhà yêu dấu, ít lâu sau
vì ghen tuông anh giết bà ta và bị kết án tử hình. Về mặt sự kiện, vụ Berthet
được kể lại khá đúng trong cuốn tiểu thuyết của Stendhal, nhưng đó chỉ là
bề ngoài. Sự thật, nhà văn đã xây dựng tác phẩm của mình bằng vô số tài
liệu rút ra từ những kinh nghiệm sống phong phú của bản thân tác giả, từ
những quan sát tỉ mỉ đời sống xã hội của ông trong bao nhiêu năm, và ông
đem lại cho câu chuyện riêng ngẫu nhiên đó một ý nghĩa điển hình rộng rãi.
Nhưng tại sao Stendhal lại đặt cho cuốn tiểu thuyết cái tên Đỏ và Đen ?
Nhà văn không để lại một lời giải thích nào cho nên các nhà nghiên cứu và
phê bình đã tranh luận nhiều và hiểu rất khác nhau, thậm chí có người giải
thích một cách khá tùy tiện. Chẳng hạn người ta cho rằng đây là câu chuyện
đánh bạc, quay số, lấy may rủi quyết định, số phận thành hay bại! Nhiều
người hiểu màu “đỏ” là màu của quân sự mà màu “đen” là màu của nhà