trong Tu Viện Thành Parme, ông chỉ vẽ lên chi tiết một xác lính chết mất
giày để thò ra đôi chân bẩn mà Fabrice del Dongo bắt gặp trên đường đi để
cho anh ta thấy cái mặt tầm thường của chiến tranh. Chính Balzac đã phân
biệt rõ điều đặc biệt đó trong bút pháp của Stendhal khi ông nói: “Beyle
theo một nguyên lý lớn: Trong nghệ thuật khốn khổ cho kẻ nào nói hết mọi
thứ”.
Stendhal đưa cái yêu cầu trong sáng, giản dị, chính xác vào cả cái địa hạt
rất khó thực hiện mà là địa hạt sở trường của ông, đó là phân tích tâm lý,
mô tả tâm trạng phức tạp của nhân vật. Ở đây rõ ràng Stendhal đã vạch ra
một hướng mới cho “tiểu thuyết tâm lý” , ông đưa tính chính xác, tính khoa
học vào việc phân tích tâm lý. Ông đi sâu vào nghiên cứu thế giới bên trong
của con người, cố gắng tìm ra những quy luật của đời sống tâm lý, và mặc
dầu ông theo dõi rất tỉ mỉ sự phát triển của nó, ông không bao giờ biến thế
giới nội tâm thành cái gì bí hiểm, hũ nút như rất nhiều người sau ông sẽ
làm. Đó là vì nhà văn hiện thực lớn Stendhal phát hiện được rằng tâm lý
nhân vật bao giờ cũng được quyết định bởi toàn bộ điều kiện xã hội trong
đó nhân vật sống và hoạt động. Ví như Julien Sorel suy nghĩ và hành động
thế nào là do cả cái môi trường gia đình, xã hội chung quanh đã tác động
sâu sắc đến anh ta. Từ đó, Stendhal đã có thể đi tới vẽ lên được những tính
cách điển hình đề ra trong những hoàn cảnh điển hình, nó là đặc trưng cơ
bản của phương pháp hiện thực chủ nghĩa.
***
Ấy thế nhưng, như trên đã nói, lúc ông còn sống, ít người biết đến
Stendhal. Giới nghiên cứu và phê bình văn học tư sản lặng thinh hoặc hạ
thấp giá trị của ông vì ông đã đi ngược lại những tiêu chuẩn văn học, mỹ
học được số đông công nhận thời bấy giờ, và nhất là vì tác phẩm của ông là
những bản tố cáo mãnh liệt bộ mặt đồi bại, xấu xa, giả dối của xã hội tư sản
quý tộc đương thời; trong sáng tác của ông, mạnh hơn ở bất cứ một nhà văn
nào khác của thế kỷ XIX, vang lên cái âm vang của cuộc cách mạng Pháp