Một nhà chế tạo vải hoa in đã giải nghệ, thông tin viên của học viện
Besancon và học viện Uzès [131] , cất lời nói với anh, từ đầu bàn này vọng
qua đầu bàn kia, để hỏi anh xem những điều người ta thường đồn đại về
những tiến bộ lạ lùng của anh trong việc học tập Tân-Ước, có đúng sự thực
không.
Bỗng im phăng phắc; như do một phép kỳ diệu nào đó, một quyển Tân-
Ước bỗng ở đâu lọt vào tay ông ủy viên của hai học viện. Sau khi Julien trả
lời, ông ta đọc bừa một nửa câu La tinh nào đó không kén chọn. Anh liền
đọc thuộc lòng; trí nhớ của anh thật trung thành, và cái kỳ tài đó được thán
phục với tất cả sự hăng hái ồn ào của một bữa tiệc về cuối, Julien nhìn nét
mặt đỏ bừng của các bà; có nhiều bà trông cũng khá. Anh đã để ý đến bà vợ
ông thu thuế có giọng hát tài hoa.
— Quả thật, tôi lấy làm ngượng vì nói tiếng La tinh lâu quá trước mặt các
bà, anh vừa nói vừa nhìn bà kia. Nếu ông Rubigneau, đó là ủy viên của hai
học viện, có nhã ý đọc bất cứ một câu La tinh nào, thì đáng lẽ trả lời bằng
cách đọc tiếp tục đoạn văn La tinh, tôi sẽ thử dịch ứng khẩu câu đó xem.
Cuộc thử thách thứ hai làm cho anh vẻ vang hết chỗ nói.
Ở đây có nhiều tay giàu có thuộc phái tự do nhưng là những người cha tốt
phúc của những đứa trẻ có triển vọng xin được học bổng, và vì tư cách đó
mà đột nhiên thay đổi chính kiến từ cuộc huấn dụ vừa qua. Mặc dầu hành
vi chính trị khôn ngoan đó, ông de Rênal cũng chưa hề bao giờ muốn tiếp
họ ở nhà ông. Những người thật thà đó chỉ mới biết Julien qua tiếng đồn và
qua cái buổi trông thấy anh cưỡi ngựa hôm đón nhà vua nước N, họ là
những người thán phục anh ồn ào nhất. Bao giờ thì những thằng ngu xuẩn
này mới chán tai với cái văn Kinh thánh kia, mà chúng chẳng hiểu tí gì?
Anh nghĩ bụng. Nhưng trái lại, thứ văn đó làm cho họ thích thú vì nó lạ tai;
họ cứ cười rũ ra. Nhưng Julien thì bắt đầu chán rồi.