phước cho ruộng nương của tớ nữa vì theo lời ông trợ tế, ruộng nương đó là
của một kẻ vô đạo. Một mụ già nhà quê sùng tín có một con bò cái lăn ra
chết, mụ bảo là tại ở gần nhà mụ có một cái ao của tớ là một kẻ vô đạo, một
anh triết học [219] ở Paris về, và tám hôm sau tớ thấy bao nhiêu cá của tớ
đều nổi lềnh bềnh phơi bụng lên hết vì bị đầu độc bằng vôi. Sự phiền hà
vây quanh tớ dưới đủ mọi hình thức. Ông quan toà tạp tụng, vốn là người
chính trực, nhưng sợ mất chức, bao giờ cũng xử cho tớ thua kiện. Thú êm ả
của thôn dã là một địa ngục đối với tớ. Một khi thiên hạ đã thấy tớ bị ruồng
bỏ bởi ông trợ tế, thủ lĩnh thánh hội trong làng, lại không được ủng hộ bởi
ông đại úy về hưu, thủ lĩnh phái tự do, thì tất cả mọi người đều xúm lại xâu
xé tớ, cho đến cả tên thợ nề mà tớ nuôi sống từ một năm nay, cho đến cả
tên thợ đóng xe vẫn muốn ăn cắp của tớ vô tội vạ khi vá víu những cái cày
cho tớ.
Để có được một hậu thuẫn và dẫu sao cũng thắng lấy một vài vụ kiện, tớ
bèn theo phái tự do; nhưng, như cậu nói đó, cuộc bầu cử phải gió kia chợt
đến, người ta hỏi xin phiếu bầu của tớ…
— Cho một người xa lạ?
— Nào có thế, cho một người mà tớ biết rõ quá đi mất. Tớ từ chối, thật là
dại dột kinh khủng! Thế là từ lúc đó tớ bị rắc rối cả với phe tự do, tình thế
trở nên không sao kham nổi. Tớ cho rằng ví thử ông trợ tế nảy ra ý kiến
buộc tội tớ là đã ám sát con ở của tớ, thì sẽ có đến hai chục chứng tá của cả
hai phe sẵn lòng thề là đã trông thấy tớ phạm cái tội ác đó.
— Cậu muốn sống ở thôn quê mà lại không vào hùa với những dục vọng
của những người lân cận, cũng chẳng thèm nghe những chuyện trò lảm
nhảm của họ. Còn lỗi lầm nào to bằng!
— Nhưng thôi, lỗi lầm đã được sửa chữa: Monfleury đương rao bán. Tớ lỗ
năm vạn quan, nếu cần, nhưng tớ rất vui sướng. Tớ rời bỏ cái địa ngục đầy
giảo quyệt và phiền hà kia. Tớ đi tìm sự tịch mịch và sư yên tĩnh của thôn