chả mấy chốc anh nhận thấy hầu tước có một lễ độ dễ chịu cho người nói
chuyện với ông, hơn cả lễ độ của ông giám mục Besancon. Cuộc tiếp kiến
không lâu quá ba phút. Khi đi ra, ông linh mục nói với Julien:
— Anh đã nhìn ông hầu tước như thể nhìn một bức tranh vậy. Tôi không
thạo lắm về cái mà những người đó gọi là lễ phép, chả bao lâu anh sẽ am
hiểu hơn tôi, nhưng dù sao cái lối nhìn sỗ sàng của anh tôi thấy không được
lễ phép mấy.
Họ lại lên xe ngựa; người đánh xe dừng xe gần đường phố lớn; ông linh
mục đưa Julien vào một lô những phòng khách lớn. Julien để ý thấy không
có đồ đạc gì. Anh đương nhìn một chiếc đồng hồ treo mạ vàng có chạm
một sự tích rất khiếm nhã theo ý anh, thì một ông rất lịch sự lại gần anh, vẻ
tươi cười. Julien hơi nghiêng mình chào.
Ông kia mỉm cười và đặt tay lên vai anh. Julien giật bắn mình và nhảy lùi
một cái về phía sau. Anh đỏ bừng mặt giận dữ. Linh mục Pirard, tuy
nghiêm nghị như thế, mà cười đến chảy nước mắt. Ông kia là một bác phó
may.
— Tôi để cho anh được thư thả trong hai ngày, linh mục nói với anh lúc đi
ra; sau đó anh mới có thể yết kiến bà de La Mole được. Nếu như người
khác, thì họ sẽ canh giữ anh như canh giữ một cô con gái trong những buổi
đầu của anh ở cái kinh thành Babylone [233] mới này. Anh có sa ngã thì sa
ngã ngay đi, để cho lối thoát khỏi sự mềm yếu cứ nghĩ đến anh. Sáng ngày
kia, bác phó may nọ sẽ đem đến cho anh hai bộ áo; anh sẽ cho cái chú đến
thử áo năm quan. Ngoài ra, anh đừng để cho những con người Paris đó
nghe thấy giọng nói của anh. Nếu anh hé miệng nói nửa lời, họ sẽ tìm ra
được cách chế nhạo anh. Về cái đó thì họ tài lắm. Ngày kia, anh sẽ đến tôi
vào mười hai giờ trưa... Thôi, đi mà sa ngã đi... À quên, anh hãy đi sắm
giày ủng, sơ mi, mũ ở những địa chỉ này.
Julien nhìn nét chữ viết những địa chỉ đó.