Julien lánh xa tấm ghế tràng kỷ. Hãy còn chưa thích lắm những cái tế nhị
thú vị của một câu nhạo báng nhẹ nhàng để có thể vì một trò đùa cợt, anh
cho rằng sự đùa cợt phải có lý do chính đáng mới được. Trong lời lẽ của
những người trẻ tuổi kia, anh chỉ thấy cái giọng mạt sát chung, và lấy làm
chướng. Cái tính câu chấp của người tỉnh lẻ hay của người Anh làm cho
anh đến nỗi thấy ở đó có sự ghen ghét, về điểm này thì chắc chắn là anh
nghĩ lầm.
Bá tước Norbert, anh nghĩ bụng, ta đã thấy viết đến ba bản nháp cho một
bức thư hai chục dòng gửi ông đại tá của chàng ta, nếu trong đời chàng ta
cứ viết được lấy một trang như ông Sainclair, thì cũng đã là đại phúc.
Vì thân phận chẳng quan trọng gì mấy nên qua lại không ai để ý, Julien đi
lại gần nhiều nhóm lần lượt; anh theo dõi từ xa nam tước Bâton và muốn
được nghe ông ta nói. Con người rất tài trí kia có vẻ băn khoăn, và Julien
thấy ông ta chỉ bình tĩnh trở lại khi đã tăm được ba bốn câu sắc bén. Julien
thấy hình như cái loại tài trí đó cần phải được thênh thang thì mới phát huy
được.
Ông nam tước không thể nào nói những lời vắn tắt; ông cần phải được nói
ít ra là bốn câu, mỗi câu sáu dòng, để thành sắc sảo.
— Con người này biện luận chứ không phải là nói chuyện nói trò, có một
người nào nói sau lưng Julien. Anh quay lại và vui thích đến đỏ mặt lên khi
nghe thấy nói đến tên bá tước Chalvet. Đó là con người tinh tế nhất của
thời đại. Julien đã thường gặp tên ông ta trong cuốn Hồi ký Sainte-Hélène
và trong những mẩu lịch sử do Napoléon đọc cho người ta viết. Bá tước
Chalvet ăn nói ngắn gọn; những ý kiến đột khởi của ông là những ánh chớp
chính xác, sắc sảo và thâm thúy. Nếu ông nói về một chuyện gì, thì tức
khắc người ta thấy cuộc bàn cãi tiến lên một bước. Ông đem những sự việc
vào, nghe ông nói thật là thích tai. Ngoài ra, về chính trị, ông có những ý
kiến trắng trợn, sấn sổ.