tên quản lý được anh ủy nhiệm đã lạm dụng quyền hạn để thu lợi. Những
giấy tờ loại này không có bản sao trong hồ sơ mà anh đang giữ.
Văn bản mà Mister Danger đưa ra làm chứng là thực, đã được trước bạ
và xác nhận đóng dấu hợp lệ làm cho Santos thấy xấu hổ về sự nhầm lẫn của
mình và lúc này anh phải thừa nhận là hoàn toàn không biết tình hình thực tế
ấy của trại Altamira. Nhưng tờ văn tự ấy lại kèm thêm một tờ văn tự nữa của
Lorenzo Barquero ký bán cho tên Mỹ nhưng đồng cỏ Bò Liếm. Khi nhìn
chữ ký của người bán, viết bằng một thứ chữ rất khó đọc, không đều, và rối
rắm trông như những nét vạch của một người mù chữ do người khác cầm
tay, Santos cảm thấy trước mắt mình một bằng chứng vật chất của sự cưỡng
bức, mà tên ngoại quốc đã áp đặt lên cái ý chí rệu rã của Lorenzo. Bởi vì anh
có thể khẳng định một cách không ngoa rằng vụ mua bán đó không khác gì
một vụ tước đoạt giống như kiểu mua bán giả mà Doña Bárbara đã bắt ép
Lorenzo ký.
“Ta đã quên mất những ý định của ta,” Santos ngắm nghía cái chữ ký
ngoằn ngoèo. “Ta đã đảm nhiệm vài trò của người bảo vệ những quyền lợi bị
chà đạp, thế mà ta chưa hề nghĩ đến việc điều tra xem có thể bảo vệ được gì
cho con người tội nghiệp ấy. Không có gì đáng ngạc nhiên nếu những vụ
mua bán như thế này có mắc míu những sai phạm khiến cho người ta có thể
mưu toan việc yêu cầu xét lại…”
Trong khi đó, Mister Danger lại gần bàn, và rót đầy hai cốc rượu uýt-ki
để chúc mừng thắng lợi của nó đối với người hàng xóm định đến để đòi lại
những quyền lợi đã mất. Một niềm kiêu hãnh thúc đẩy nó làm nhục con
người của dòng giống hạ đẳng dám đến đây tranh cãi với nó về những quyền
lợi của mình:
— Làm một hớp nữa chứ, luật sư?
Santos đứng lên, nhìn chăm chăm vào nó, tỏ vẻ bị xúc phạm; nhưng
thằng Mỹ không coi cái thái độ ấy vào đâu, nó tiếp tục rót đầy cốc rượu một
cách bình tĩnh.
Santos đưa trả nó những giấy tờ, và nói: