việc ăn cắp của nó, những thói lộng quyền ức hiếp chiếm đoạt của Doña
Bárbara sẽ chấm dứt, và mọi chuyện sẽ đâu vào đấy.
Nhưng với ý nghĩ về người chủ như thế, Carmelito thấy chán ngán
ngay tất cả mọi vẻ của Santos khi anh vừa nhảy từ thuyền lên bờ: bệ vệ,
nghênh ngang dường như hách dịch, khuôn mặt sáng sủa, nước da trắng trẻo
rám nắng do mấy ngày đi đường, râu ria nhẵn nhụi, toàn là đặc điểm của
những anh con trai mới lớn, cử chỉ dịu dàng kiểu cách. Bộ quần áo mặc khi
cưỡi ngựa “không đúng kiểu”, cái áo thì chật ních, cái quần thì phần trên
rộng thùng thình, đầu gối bó thắt lại, ống quần khít chặt như thể cổ giày ống.
Lại còn đeo cả cà vạt nữa chứ. Đến vùng hoang vu hiu quạnh này mà lại
chất lên người lắm thứ vải vóc quá.
— Hừ! – Carmelito lẩm bẩm – Đây là con người mà chúng ta mong
ngày mong đêm đây! Cậu công tử bột đỏm dáng này thì chẳng đi đến đâu.
Giữa lúc đó, bố Antonio, một ông già da dẻ nhăn nheo, nhưng tóc vẫn
đen nhánh, tập tễnh đi xuống dốc, hớn hở tươi cười.
— Già Melesio! – Santos reo lên và bước vội đến đón – Già vẫn chưa
có một sợi tóc bạc nào!
— Người da đỏ không nhuộm tóc đâu, cậu ạ – Ông cụ cười lặng lẽ, âm
thầm, giống như cô gái xấu xí, để lộ ra hai hàm lợi không răng và nước dãi
đen vì nhai thuốc lá – Ờ, vậy ra “cậu bé Santos” chưa quên tôi thật! Cậu cứ
để cho tôi gọi cậu như thế, cũng như ngày nào cậu còn nhỏ tôi thường gọi
cậu là cậu bé Santos, đến bây giờ tôi phải gọi cậu là “luật sư”. Cậu biết cho
là người già chúng tôi thường ác khẩu khi xem xét những bước chân mới
đấy.
— Già nhận thấy thế nào, xin già cứ nói tôi nghe.
— Mà vẫn có sự kính trọng, đúng không nào? mời cậu hãy vào nghỉ
trong nhà tôi, dù chỉ một lát thôi, trước khi về nhà cậu.
Phía bên phải đầu dốc là những hàng rào mốc meo bạc phếch vì mưa
nắng dãi dầu, bỏ ngựa tập trung ở đấy. Phía bên trái là khu nhà ở, những
kiến trúc điển hình của vùng thảo nguyên: Hai ngôi nhà tường đất mái cọ,