nhà của gia đình Melesio; xa hơn chút nữa là một túp liều mái thấp, lợp rơm
dày, trong liều kê một chiếc bàn rộng, xung quanh bàn kê ghế dài; xa hơn
chút nữa là một túp lều cao rộng hơn, có ba con ngựa buộc vào cột, một của
Antonio, một con của Carmelito, và một con nữa họ mang từ trại tới để đón
Santos.
Còn một túp liều khác cách xa nhà ở, trên các xà ngang treo những tấm
da hươu và da chigüire vừa mới thuộc vẫn còn bóc lên mùi thối. Phía sau túp
liều đó là một hàng cây thẳng tắp bao gồm những cây mận, cây hoa dã quỳ
và một cây algarrobo cao vút. Người ta đã lấy cây đó làm mốc để đặt tên
cho bến đò Algarrobo.
Sau hàng cây là thảo nguyên mênh mông bằng phẳng, không một bóng
cây. Những đồng cỏ bao la vô tận kéo dài đến tận chân trời xa thẳm cong
cong như treo lơ lửng trên không trung bởi cái ảo ảnh “rừng cây thảo
nguyên” trông giống như một dải rừng hình vòng cung mọc trơ trọi giữa
những đồng cỏ.
— Altamira! – Santos kêu lên – Đã bao nhiêu năm nay ta mới lại nhìn
thấy.
Bọn con gái, vừa lúc nãy ra ngóng ở đầu dốc, bây giờ đã biến cả phía
sau những cánh cửa.
Ông già Melesio giới thiệu:
— Các cháu gái tôi đấy, “những đứa con gái thả rông” như ở đây người
ta thường gọi. Cả buổi chiều nay, bọn chúng nó chẳng làm gì, chỉ ngóng ra
sông, mong cậu về. Thế mà bây giờ cậu đến nơi thì chúng nó đi trốn.
Santos hỏi:
— Các con gái anh đấy ư, Antonio?
— Thưa không ạ, nhờ trời tôi vẫn còn chưa vướng víu.
— Con của những thằng khác đấy – Ông già Melesio giải thích –
những thằng đã chết rồi, cầu Trời cho linh hồn chúng nó được an nghỉ.