Ông cụ già nhất hắng giọng, và những người khác quay lại nhìn cụ. Cộng
đồng nào cũng có tôn ti trật tự, cộng đồng cựu chiến binh cũng vậy, và khi
trật tự thực sự được thiết lập, những cựu binh trở về từ Thế chiến II rõ ràng
luôn là thủ lĩnh. Ông cụ này đã vượt qua cả địa ngục và mang những vết
sẹo trên mình lâu hơn bất kỳ ai ở đây. Trật tự này không bao giờ dừng lại
hay bị xóa bỏ. “Tới đây nào.”
Tôi đi vòng qua bàn và ngồi ghé vào mép ghế thò ra bên cạnh ông. Ông
quan sát tôi - vì điều gì tôi không rõ - và cái mùi ngọt tới mức phát ốm từ
hơi thở của ông khiến tôi không ngừng tự hỏi liệu ông có bị tiểu đường
không và ông có thấy ổn không khi ngồi ngoài trời trong thời tiết này, với
một đống máy sưởi và tầng tầng lớp lớp khăn khố bên cạnh. Da ông mỏng
như giấy và nhăn nheo, nước da không đều màu do tuổi tác, mang một
mạng lưới gồm những mạch máu xanh mỏng trên hai thái dương và dưới
mắt. Một miếng sẹo lượn quanh một bên thái dương, chạy sâu ra tận đằng
sau tai. Một trái phá từ trận Normandy? Hoặc một trận chiến khác hoàn
toàn?
“Cháu cũng có một cuộc chiến của riêng mình, đúng không, cô gái?”
Tôi nghĩ về điều đó, khiến cho ý nghĩa đằng sau ngôn từ trở nên rõ ràng.
Câu hỏi mang bóng hình Chavi, tất cả những sự giận dữ, sầu muộn và tổn
thương mà tôi đã mang từ khi chị ra đi. “Vâng,” cuối cùng tôi cũng cất
tiếng. “Cháu chỉ không biết bên kia chiến tuyến là ai.” Cuộc chiến nào cũng
cần kẻ thù, nhưng tôi không chắc chắn kẻ thù nào có thể ra tay tàn độc hơn
chính mình.
“Chúng ta đều có lúc băn khoăn về điều này,” ông đồng tình, đôi mắt
nhấp nháy với những ông cụ khác. Tất cả mọi người đều đang nhìn chúng
tôi, trừ một người, một người duy nhất đang nghiên cứu bàn cờ của mình
với một nét nhăn nhó nhẹ nhàng và bất ngờ nhận ra quân Tướng của ông
đang gặp nguy hiểm. “Thế tên cháu là gì?”
“Priya Sravasti. Còn ông?”
“Harold Randolph.”