lại nhà bên đó cũng không bị gây khó dễ gì, cô vợ lẽ cũng biết chừng mực
hơn, tôi đoán nhà người ta cũng là nể mặt quận công nên mới không quá
đáng.
Năm Canh Tý 1780, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41.
Đêm giao thừa, tôi nài nỉ Đình Duệ cùng đứng xem pháo nổ, cùng ăn
bánh chưng. Tết năm nay trôi qua coi như không buồn tẻ như năm ngoái,
lệnh cấm túc đối với tôi cũng được dỡ bỏ.
Xuân năm nay lại có lễ hội đua thuyền, Đình Duệ nói sẽ đưa tôi đi xem,
tôi nửa muốn đi nửa không. Lí do là nó khiến tôi nhớ lại lễ hội năm nào còn
vui vẻ đi cùng Đinh Ngọc và anh em Nguyễn Hoàn, cũng là ngày phát hiện
ra thân phận thực sự của anh. Nhưng tôi bị cấm túc lâu ngày trong phủ thực
sự cũng rất buồn chán.
Sáng ngày hội đua thuyền diễn ra, tôi ngồi xe ngựa cùng Đình Duệ ra
bến Tây Long. Đình Duệ đưa tôi đến ngồi ở một quán trà hai tầng nằm sát
bên bờ sông, chúng tôi lên lầu trên ngồi gần cửa sổ nhìn ra lễ hội nhộn nhịp
bên ngoài. Trong quán lúc này đã có khá đông người, tôi có thể nghe ra mọi
người đang bàn xem đội thuyền nào chiến thắng, họ còn đặt cược với nhau.
Tôi cầm chén trà, xoay xoay trong tay, mắt nhìn sông Nhị Hà rực rỡ màu
sắc của cờ lọng, đông đúc thuyền bè dưới sông và chật cứng người xem trên
bờ. Từ đây có thể nhìn thấy toàn cảnh lễ hội nhưng lại không cảm giác
được không khí lễ hội như khi đứng ở dưới đó. Tôi mở miệng hỏi Đình
Duệ:
- Sao chúng ta không ngồi thuyền hay đứng trên bờ sông xem?
Đình Duệ cười:
- Em không nghĩ ở đây tốt hơn sao? Không phải chen chúc mà còn có
tầm nhìn bao quát lễ hội.