Quang Bình thuật lại sự việc với tôi bằng giọng đều đều, thỉnh thoảng
lại chêm vào một nụ cười mỉa mai.
Nguyễn Trọng Chiếu cũng không muốn lấy tôi nhưng hắn bất tài, đành
phải nghe lời cha mẹ. Sau đó nhờ Huy quận công giúp đỡ, Trọng Chiếu
được cấp một chức vị nho nhỏ trong kinh thành, phong làm Chiếu lĩnh bá.
Đúng lúc đó người của Quang Bình đến bày kế cho Trọng Chiếu giả bệnh
để trì hoãn đám cưới. Một người đang khỏe mạnh đột nhiên lăn ra bệnh, các
thầy thuốc lại không tìm được nguyên nhân, thuốc uống vào mãi không
khỏe, da ngày càng vàng vọt đi. Phu nhân Viêm quận công đành tìm thầy
cúng, sau khi dâng hương hỏi thần thánh thì nói rằng tôi có số sát phu,
muốn con trai của bà bình an thì phải tránh xa tôi ra. Còn nếu vẫn cương
quyết muốn cưới tôi thì phải làm lễ cúng bái suốt sáu tháng để giải trừ số
mệnh của tôi và ngoài ra còn phải làm một cái bùa để bảo vệ tên Trọng
Chiếu đó.
Dù Viêm quận công muốn con trai mình rộng đường làm quan nhưng
nếu vì thế mà phải lấy vợ có số sát phu dẫn đến mất mạng thì chức tước còn
ý nghĩa gì nữa. Vậy là đám cưới buộc phải hoãn đến tháng chạp.
Quang Bình nở một nụ cười mỉm, trong đôi mắt hẹp dài sâu không thấy
đáy đang lấp lánh thứ ánh sáng kì lạ. Tôi sững người trong giây lát rồi bật
cười. Anh ta lợi dụng sự mê tín dị đoan của phu nhân nhà Viêm quận công
để lập mẹo khiến việc liên hôn hai nhà phải trì hoãn. Nghe có vẻ đơn giản
nhưng không phải ai cũng làm được.
Xem ra tướng quân Tây Sơn không chỉ giỏi võ mà dùng mưu cũng rất
tài, việc này làm tôi liên tưởng đến thiên tài quân sự Nguyễn Huệ.
Có một giai thoại kể lại rằng, trước lúc tiến quân ra bắc đánh quân
Thanh, Nguyễn Huệ cho người mang một mâm tiền có phủ vải che vào rồi
tuyên bố trước ba quân rằng: nếu sau khi tung lên mà hai trăm đồng xu đều
sấp thì đó là điềm báo quân Tây Sơn chắc chắn sẽ thắng. Không ngờ đến,