hiếu đễ. Ông thường tự hào nói rằng: "Con cháu ta sau này nhất định sẽ
hiển đạt". Về sau con ông dẹp yên bờ cõi, quả nhiên làm đình úy, đúng như
lời ông nói. Thời Đường có Hà Tỷ Can, cùng với Từ Hữu Công, Lai Tuấn
Thần, Hầu Tư Chỉ là hình quan. Tỷ Can là người khoan dung, đã tha tội
cho nhiều người. Người thời ấy thường nói rằng: "Nếu ai gặp Lai Tuấn
Thần, Hầu Tư Chỉ sẽ chết, mà ai gặp Từ Hữu Công, Hà Tỷ Can sẽ sống".
Một hôm có một bà lão cầm hơn chín mươi thẻ tre, nói với Hà Tỷ Can.
"Ông là người có âm đức, con cháu sẽ làm tới công khanh, quận thú. Được
phong ấn tín, bằng số thẻ này". Về sau quả nhiên đời đời hiển đạt. Thời
Tống có Trương Khánh làm quan coi ngục, ông luôn luôn quét tước nhà tù
sạch sẽ, cho tù nhân ăn uống, không đến nỗi để cho họ đói rét. Người đau
ốm thì chạy chữa thuốc thang. Tuy ông không thể minh oan cho họ được,
nhưng sau này con cháu ông cũng được đỗ đạt. Còn như bọn Chu Hưng,
Cát Tu tra tấn người tàn ác, hãm hại bình dân, sát hại quan lại, cuối cùng
khi chết thì đầu một nơi, người một nẻo, vợ con họ tộc đều bị giết. Tại sao
lại khác hẳn với việc đền ơn người làm điều thiện như thế?
Như trên đã nói, quyền hành trong tay mình hay không là do tấm lòng của
mình, bởi thế gỡ oan cho họ không phải là việc khó. Nay tôi xin kể về một
người, quan thì thấp, chức thì nhỏ chẳng có quyền hành gì, ông cũng không
tham tiền mà cũng chẳng muốn ai khen, vậy mà lại minh oan cho tù nhân
và thả họ ra khỏi nhà tù, đó chẳng phải là việc vô cùng khó khăn sao?
Thời Gia Tĩnh có một người tên là Diêu Nhất tường, người huyện Thượng
Hải, Tùng Giang. Diêu mất cha từ thời tấm bé, nhà khá giả sống phóng
khoáng, khinh tài trọng nghĩa. Từng theo dõi đèn sách, giỏi thơ văn, mấy
lần thì không gặp vận nên không được nhập học. Những người trong làng
thường chê cười anh, song anh vẫn thản nhiên chẳng để bụng làm gì. Mẹ
anh ở vậy nuôi con, luôn luôn mong con công thành danh toại. Bà tích góp
được bốn năm trăm lạng bạc, rồi bảo con tới Nam Kinh nhập học.
Nhất Tường vâng lời mẹ, từ biệt vợ, mang theo hai người hầu lên đường.