Vương Bảo vui mừng, mặt mày hớn hở, chắp tay ngang trán khấn:
- Tạ ơn trời đất, lần này không những chủ nhỏ được sống, mà ta đã có vú
thì chẳng ai biết ta là đàn ông.
Thế rồi ông phanh ngực ra cho Sinh Ca bú. Cứ thế ông đi tới những thôn
trấn đông người xin ăn. Trời gần tối, xa xa thấy khu rừng tùng, lại có một
bức tường màu hồng, trông như một ngôi miếu cổ. Ông rảo bước đi tới, trời
đã tối, ông bế đứa trẻ bước vào, cứ để cả quần áo nằm ngủ trên chiếc bục.
Suốt ngày mệt mỏi, chân tay rã rời, Vương Bảo thiếp đi cho tới sáng. Khi
tỉnh dậy thì thấy bài vị thờ Trình Anh và Công Tôn Chử Cữu, đó là hai vị
gia thần họ Triệu nước Tần thời Xuân Thu. Vương Bảo quỳ xuống lấm rầm
khấn:
- Hai vị là bậc trung thần, bảo vệ người con cô đơn họ Triệu, còn Vương
Bảo ta hiện đang bảo vệ người con cô đơn của Lý Chân. Xin cầu mong hai
vị ra sức phù hộ.
Khấn xong bế Sinh Ca ra khỏi miếu, thấy trên tấm bảng trước miếu đề ba
chữ "Song Trung miếu”. Từ đó ban ngày Vương Bảo đi ăn xin, tối đến lại
về đấy nương thân. Nếu có ai hỏi thì Vương Bảo không những giả vờ là
đàn bà, mà ngay cả Sinh Ca cũng bảo là con gái. Nhân việc Trình Anh bảo
vệ người con cô đơn nhà họ Triệu, nên Vương Bảo nói với mọi người là:
- Tôi họ Trình, nên cứ gọi tôi là quả phụ Trình, cháu gái tên là Tồn Nô. Khi
ông nhà tôi chết, nó vẫn còn trong bụng mẹ. Hiện nay đang nuôi con vất vả,
nên tôi không muốn đi bộ nữa, cũng không muốn làm vú nuôi. Mẹ con chỉ
quanh quẩn xin ăn trong thôn xóm thôi.
Mọi người thấy thế rất thương, thường hay bố thí, nên họ không phải chịu
đói.
Đầu bạc mạo nhận đàn bà.
Con trai giả thành con gái.
Chẳng dám nhờ ai nương tựa.
Chỉ sợ giấu đầu hở đuôi.