– Không hẳn là trùng nhau, nhưng việc đó chẳng cần thiết cho ai cả.
– Lạ thật, cái cần thiết nhất hoá ra lại chẳng cần thiết cho ai cả!
– Theo tôi thì anh sẽ gay go đấy, cha Apđi ạ. Tôi không ghen với anh,
nhưng tôi cũng không ngăn anh – Vichto nói lúc kết thúc câu chuyện.
Anh nói đúng, anh nói đúng hết. Ít lâu sau Apđi có cơ hội tin như vậy.
Câu chuyện nhỏ sau đây diễn ra trước khi anh bị đuổi khỏi chủng viện.
Vào hôm đó có một nhân vật quan trọng đến thành phố và được ban giám
hiệu chủng viện đón tiếp hết sức tôn kính tại nhà ga. Đó là cha Đmitơri,
người phối hợp các cơ sở học tập của giáo phận. Chính vì thế mà trong giới
chủng viện người ta gọi cha là cha Phối Hợp. Là một người đáng kính và
chín chắn thuộc lứa tuổi trung niên – dưới hình thức lý tưởng thì cha phải
như vậy, – cha Phối Hợp đến lần này vì một biến cố đặc biệt mà thủ phạm
là Apđi Calixtơratốp, một trong những chủng sinh ưu tú nhất của chủng
viện. Anh ta đã bước lên con đường tà đạo – công khai xét lại Thánh Kinh
bằng cách nêu ra một tư tưởng đáng ngờ về Chúa Trời hiện đại. Tất nhiên,
cha Phối Hợp đến đây với tư cách người thầy và người giảng hoà để bằng
sức mạnh uy tín của mình đưa người thanh niên lầm lạc kia trở lại với tình
thương của giáo hội, và không để chuyện xích mích này lan ra ngoài. Theo
ý nghĩa đó thì giáo hội chẳng khác gì mấy so với những thiết chế trần tục,
nơi danh dự của bộ sắc phục là quan trọng hơn hết. Nếu một người nào đó
giàu kinh nghiệm hơn về cách xử thế ở vào địa vị Apđi thì chắc hẳn người
đó sẽ tiếp nhận ý định đầy tình cha con của cha Phối Hợp, nhưng Apđi
thành thật không hiểu người quan chức nổi tiếng này của giáo hội, do đó
làm những tính toán của cha trở nên phức tạp hơn nhiều.
Anh được mời đến gặp cha Phối Hợp để trò chuyện vào khoảng giữa
trưa và anh ở lại đấy tối thiểu cũng phải ba tiếng đồng hồ. Đầu tiên, cha
Phối Hợp đề nghị anh cùng cầu nguyện tại nhà nguyện, một gian phòng
trong tòa nhà chính của chủng viện.