ngoại phải không? Đừng có giấu diếm, bây giờ chúng ta đã cùng chung số
phận rồi: hoặc là cùng nhậu nhẹt quanh một bàn chung trong tiệm ăn, hoặc
là bị dẫn sóng đôi ra khỏi xà lim. Có gì thì cậu cứ nói tuột ra!
Apđi thấy chẳng cần phải che giấu:
– Tớ chẳng phải là kẻ buôn lậu hàng ngoại gì hết. Mà tớ cũng chẳng có
gì để giấu diếm. Trước đây tớ theo học trong chủng viện.
Chắc hẳn Pêtơrukha hoàn toàn không ngờ câu chuyện lại xoay chuyển
như vậy.
– Gượm đã, gượm đã! Cậu nói là cậu học trong chủng viện, tức là cậu
học làm cha cố chứ gì?
– Đúng thế đấy.
– Kỳ thật… – Pêtơrukha tròn xoe mắt và chúm môi lại, ngơ ngác huýt
một tiếng. – Vậy tại sao cậu lại ra khỏi nơi ấy? Hay là cậu bị đuổi vì chuyện
gì phải không?
– Nói thế nào cũng được. Nói chung, tớ bỏ đi.
– Nhưng tại sao mới được chứ? Cậu không tán thành Chúa à? –
Pêtơrukha tinh nghịch hỏi tiếp. – Buồn cười thật!
– Đúng là tớ không tán thành.
– Nếu cậu biết rõ mọi chuyện như vậy thì cậu hãy nói đi: có Chúa hay
không?
– Kể cũng khó trả lời, Pêtơrukha ạ. Đối với người này thì có, đối với
người khác lại không. Tất cả đều phụ thuộc vào chính con người. Có bao
nhiêu người sống trên đời thì có ngần ấy người suy nghĩ về việc có Chúa
hay không.
– Thế giả dụ như có Chúa thì ông ta ở đâu?