trai bình thường mà nếu cần thì có thể đút luôn vào túi. Nếu như y không
khập khiễng và do đó không phải chống một chiếc gậy to xù xì thì thật khó
nhận ra được y, đâu đâu y cũng sẽ hòa lẫn vào đám đông. Chỉ trừ đôi mắt y
là có thể nhớ được nếu quan sát y kỹ hơn một chút. Đôi mắt lanh lẹn của y
màu nâu thẫm và ánh mắt y luôn luôn thay đổi. Có lẽ, chính bản thân y
cũng không nhận thấy là y rất hay nheo mắt. Nhìn nghiêng, mấp máy hai
hàng lông mày không màu gợi nhớ đến một con thú dữ nhỏ bị dồn vào thế
bí, muốn nhảy xổ ra cắn, nhưng không dám, song vẫn làm ra bộ can đảm,
vẫn làm ra bộ dọa nạt. Rất có thể, góp phần gây ra ấn tượng đó là chiếc răng
cửa hàm trên bị gãy một mảnh, chỉ lộ ra khi nói chuyện. “Hắn có thể bịt
vàng mảnh răng sứt đó nhưng không hiểu sao hắn không làm như vậy –
Apđi thầm nghĩ – Chắc là hắn không muốn có thêm một đặc điểm nữa”.
– Chân cậu bị sao thế, bong gân à? Sơ xuất phải không? – Apđi hỏi cho
phải phép lịch sự.
Grisan mơ hồ lắc đầu:
– Đúng, có thể nói là có bị đau một chút. Tớ sơ xuất, cậu nói đúng đấy,
Apđi ạ, hình như tên cậu là thế thì phải?
– Đúng thế, tên tớ là Apđi.
– Một cái tên hiếm đấy, như trong Thánh Kinh vậy – Grisan cố ý kéo dài
giọng ra và nhấp nháp từng tiếng một, tựa như vừa nói vừa ngẫm nghĩ. –
Apđi, đấy đúng là một cái tên có nguồn gốc nhà thờ – y trầm ngâm kết luận.
– Phải đấy, ngày xưa con người sống cùng với Chúa mà. Chính vì thế mà ở
nước Nga có những họ như Prêsixtenxki, Bôgôlêpốp, Blavôvextốp đấy.
Apđi này, chắc hẳn họ của cậu cũng phải tương tự chứ?
– Họ của tớ là Calixtơratốp.
– Đấy, cậu thấy chưa, trùng hợp mà… Còn tên tớ là Grisan, vừa đơn
giản hơn, vừa theo kiểu vô sản. Nhưng điều đó không quan trọng. Vậy là