Họ lại bước vào gian phòng đợi chật ních những người qua lại. Người
trung uý dẫn Apđi đến một chiếc ghế dài để trống, mời anh ngồi rồi chính
mình cũng ngồi cạnh.
– Tôi tha thiết đề nghị đồng chí – người trung uý nói với vẻ tin cậy bất
ngờ, – đừng ngăn trở chúng tôi làm việc. Nếu tôi nói điều gì không phải thì
đồng chí cũng đừng giận. Công việc của chúng tôi rất khó khăn. Chính
đồng chí cũng thấy rồi đấy. Tôi đề nghị đồng chí cần đi đâu thì cứ việc đi.
Đồng chí được tự do, chỉ có điều là đừng đến chỗ chúng tôi nữa. Đồng chí
hiểu chứ?
Trong khi Apđi đang tập trung tư tưởng, nghĩ xem nên giải thích như thế
nào cho người trung úy về thái độ của mình và bày tỏ ý kiến của mình về số
phận của đám thanh niên tìm kiếm anasa bị bắt kia thì người trung uý đã
đứng dậy, rẽ đám đông bỏ đi.
Những hành khách đợi tàu chẳng có việc gì làm nên bắt đầu lại liếc nhìn
Apđi. Anh quá nổi bật giữa đám người đủ loại. Bị đánh đập tàn nhẫn, mặt
đầy vết thâm tím, quần áo rách tả tơi, dưới nách là mảnh ván thay cho chiếc
nạng. Apđi khiến mọi người vừa tò mò lại vừa khinh bỉ. Hơn nữa, anh lại
vừa bị công an dẫn đến đây.
Còn Apđi thì mỗi lúc một khó chịu trong người hơn. Nhiệt độ tăng, đầu
nhức nhối không chịu nổi. Những biến cố ngày hôm qua, trận mưa rào ban
đêm, một bên chân sưng vù không điều khiển được nữa và cuối cùng là
cuộc gặp gỡ bất ngờ với toán thanh niên tìm kiếm anasa đang đứng trước
nguy cơ bị trừng phạt nặng nề. Vì tội lỗi của họ – tất cả những cái đó đã tác
động đến Apđi. Anh bắt đầu lên cơn rét, hết run bần bật lại nóng bừng
bừng. Anh ngồi co ro, rụt đầu vào hai vai, không đủ sức đứng dậy nữa.
Chiếc nạng bất hạnh nằm lăn lóc dưới chân anh.
Đột nhiên trước cặp mắt mờ đi của Apđi, mọi vật chao đảo như trong làn
sương mù. Những khuôn mặt và hình người nhoà dần, mất đi những đường