khác thì kết quả tồi hơn. Tức là một số này thì gặp may, một số khác thì
không gặp may. Chẳng hạn như, chỗ Bôxton có máy nổ hoạt động, nó suốt
đêm cũng cấp ánh sáng, trong nhà, trong kho, xung quanh sân – chỗ nào
cũng có điện. Tại sao lại như vậy? Anh ta biết cách xoay được hai chiếc
máy: khi chiếc này hỏng hoặc đem đi bảo dưỡng thì chiếc thứ hai được đem
ra sử dụng. Còn tất cả những người chăn cừu khác – kể cả Badarbai – suốt
năm chỉ có một chiếc thôi. Mà với một chiếc thì thật khốn khổ: lúc thì nó
làm việc, lúc thì nó hỏng, lúc thì có nhiên liệu, lúc thì không, lúc thì xảy ra
trục trặc, lúc thì anh chàng hiểu biết công việc này bỗng thây kệ tất và bỏ ra
thành phố – tại đấy thanh niên sống và làm việc sướng gấp trăm lần ở đây.
Kết quả là theo số liệu thì đội chăn cừu nào cũng có điện, nhưng thực ra,
làm gì có chuyện ấy…
Vậy ai là người tốt? Bôxton là người tốt, lại không rượu chè nữa. Còn ai
là người xấu? Badarbai và những kẻ giống như anh ta, thêm vào đấy, họ còn
rượu chè nữa. Mà nếu là người xấu thì phải tống cổ mi đi chứ? Nhưng
không được, cứ thử nói là sẽ bỏ đi xem nào, người ta sẽ lập tức đưa công an
đến, tịch thu chứng minh thư, không cấp cho một thứ giấy tờ gì hết. Anh
bạn ơi, đi mà làm việc đi, ở lại đây thôi, bây giờ không ai muốn làm nghề
chăn cừu cả, những kẻ ngu ngốc như vậy hiếm lắm. Ai cũng muốn sống
ngoài thành phố, tại đấy, làm hết giờ là tha hồ rong chơi một cách có văn
hoá, nếu không thì cứ việc nghỉ trong căn hộ riêng, mọi thức ăn đều sẵn có,
không cần nhóm lò, ánh sáng suốt ngày đêm, vòi nước trong tầm tay, nhà xí
ngay cạnh, ngay ngoài hành lang… Còn cuộc sống ở nơi chăn cừu thì sao?
Đến mùa cừu sinh đẻ thì phải chăm nom ít nhất là nghìn rưỡi con, suốt cả
ngày lẫn đêm không lúc nào được yên, tất cả nghìn rưỡi con ấy lúc nào
cũng làm tình làm tội, cứ thử không bẩn thỉu xem, cứ thử không độc ác
xem, cứ thử không đánh đập vợ và những người giúp việc xem, cứ thử
không nhậu nhẹt xem… Vậy mà sau đó lại: ai là người xấu? Người xấu lại
là Badarbai và những kẻ giống anh ta…