thức là ‘đồng chí’. – Đồng chí sẽ còn làm rối loạn đầu óc mọi người bằng
những đề nghị đáng ngờ của đồng chí cho tới bao giờ nữa? Kiểu quan hệ
sản xuất trong lòng tập thể xã hội chủ nghĩa đã được lịch sử xác định từ lâu
rồi. Vậy mà đồng chí lại muốn người chăn cừu như ông chủ vậy, muốn
người đó có quyền quyết định xem nên làm việc với ai, không nên làm việc
với ai và trả công bao nhiêu cho ai. Đó là cái gì? Đó chính là sự tấn công
vào lịch sử, vào các thành quả xã hội chủ nghĩa của chúng ta, là mưu đồ đặt
kinh tế lên trên chính trị. Đồng chí chỉ xuất phát từ lợi ích hẹp hòi từ trại
cừu của đồng chí, đối với đồng chí, đó là vấn đề trung tâm nhất. Nhưng việc
chăm nom cừu là trách nhiệm của huyện, của tỉnh, của cả nước kia mà!
Đồng chí muốn dẫn chúng tôi đến đâu? Phải chăng là đến chỗ phá huỷ
những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa trong việc quản lý kinh tế?
Bôxton giận sôi lên, anh đứng phắt dậy.
– Tôi chẳng kêu gọi ai đi đâu hết. Tôi đã nói mãi như vậy rồi, tôi mệt
mỏi lắm rồi. Tôi chẳng kêu gọi ai đi đâu hết. Những gì diễn ra trong tỉnh,
trong nước và cả trên thế giới nữa – đấy không phải là công việc chăn dắt
súc vật của tôi. Không có tôi cũng đã đủ những kẻ thông thái rồi, còn công
việc của tôi là chăm sóc đàn cừu. Nếu đồng chí bí thư chi bộ không muốn
biết tôi nghĩ những gì về đàn cừu của tôi thì tại sao lại triệu tập tôi đến
những hội nghị như thế này làm tôi mất công mất việc? Những câu chuyện
rỗng tuếch không hợp với tôi. Những câu chuyện ấy có thể quan trọng đối
với ai đó, nhưng tôi thì tôi không hiểu nổi. Đồng chí giám đốc ạ, anh đừng
triệu tập tôi nữa! Không nên làm tôi mất công mất việc, tôi không cần
những hội nghị như vậy!
– Sao anh lại nói thế, anh Bôxton? – giám đốc Sôtbaép cựa quậy trên ghế
một cách bất lực. – Anh là nông trường viên tiên tiến, là người chăn cừu ưu
tú của nông trường, là một cán bộ giàu kinh nghiệm, do đó chúng tôi muốn
biết những suy nghĩ của anh. Chính vì thế chúng tôi mới mời anh đến đây.