lưu ý đến được. Tôi còn thấy việc này có lý riêng của nó. Đội chăn cừu
chính là đơn vị kinh tế cơ sở của chúng ta, phải bắt đầu từ đấy mới được.
Theo như tôi hiểu thì đồng chí Bôxton muốn nắm toàn bộ trong tay: nào là
đàn súc vật, nào bãi chăn thả, nào thức ăn, nào chuồng trại – tóm lại là tất
cả những gì cần thiết cho sản xuất. Đồng chí ấy lại định áp dụng việc khoán
sản phẩm theo đội để mỗi người đều biết mình sẽ kiếm được bao nhiêu nếu
làm việc như cho chính mình chứ không phải cho người khác. Làm trọn
phần mình mà thôi. Đó, tôi hiểu đề nghị của đồng chí Bôxton là như vậy và
chúng ta nên lắng nghe đề nghị ấy, đồng chí Côscôrbaép ạ – ông quay sang
phía bí thư chi bộ.
– Còn tôi, với tư cách là bí thư chi bộ của nông trường do tôi cùng đồng
chí lãnh đạo, tôi hiểu như thế này: khuyến khích tâm lý tư hữu trong nền
kinh tế xã hội chủ nghĩa là một việc bất kì ai cũng không nên làm, nhất là
người lãnh đạo kinh tế – Côscôrbaép trịnh trọng trách giám đốc Sôtbaép.
– Nhưng đồng chí phải hiểu là đề nghị đó nhằm đem lại lợi ích cho công
việc – giám đốc thanh minh, – vì thanh niên có chịu vào làm ở các đội chăm
cừu đâu…
– Tức là công tác động viên quần chúng của chúng ta tiến hành kém.
Phải nhắc nhở thanh niên nhớ đến Páplích Môrôdốp và người anh em
Kiếcghidi của anh là Cưsan Giacưpôp mới được.
– Nhưng việc đó là thuộc lĩnh vực của đồng chí đấy, đồng chí
Coscôrbaép ạ – Giám đốc nói xen vào. – Đồng chí thành thạo lắm rồi. Đồng
chí hãy nhắc nhở đi, hãy cổ động đi, không ai ngăn trở đồng chí hết.
– Rồi chúng tôi sẽ cổ động, đồng chí không việc gì phải lo lắng cả –
Côscôrbaép đốp chát lại. – Chúng tôi đã vạch ra cả một loạt biện pháp rồi.
Nhưng điều hết sức quan trọng là phải kịp thời ngăn chặn những mưu đồ có
tính chất tư hữu, dù chúng có được nguỵ trang khéo léo thế nào chăng nữa.
Chúng tôi sẽ không cho phép phá hoại những nền tảng của chủ nghĩa xã